Chung tay chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam/dioxin

Bài 1: Nỗi đau không hồi kết

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:35 - Chia sẻ

Chất độc da cam có chứa dioxin là chất cực độc để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Nạn nhân chất độc da cam không chỉ mang dị tật, tổn hại sức khỏe mà còn bị tổn hại nặng nề về tinh thần. Chính vì vậy, đây là nhóm đối tượng rất cần chăm sóc về y tế. Tuy nhiên đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là công tác phục hồi cho nạn nhân da cam/dioxin gặp rất nhiều khó khăn. Vậy, làm thế nào để thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này đang là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, chất độc da cam/dioxin khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật...

Không có nỗi đau nào khủng khiếp hơn

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất hóa học dioxin xuống Việt Nam, hậu quả của hành động đó vẫn đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhân dân, đến môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn 19.000 phi vụ, rải hơn 80 triệu lít hóa học diệt cỏ có chứa chất dioxin cực kỳ độc hại xuống 26.000 làng bản miền Nam Việt Nam, gây thảm họa nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và hủy diệt sự sống con người.

Hiện, có trên 4,8 triệu người Việt Nam đang là nạn nhân di nhiễm chất độc; hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh. Rất nhiều gia đình có tới 3 nạn nhân trở lên, thậm chí có gia đình sinh con tới 15 lần thì cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, các bệnh phổ biến ở con, cháu các nạn nhân chất da cam là dị tật, dị dạng bẩm sinh, rối loạn tâm thần, một số loại ung thư…

Nguồn: ITN

Đặc biệt, ảnh hưởng của chất da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ, và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất da cam đã và đang sống trong thiếu thốn, khổ đau, bệnh tật và vô vọng. “Hàng triệu trẻ em dù sinh ra trong thời bình nhưng vẫn bị dị dạng, dị tật. Nhiều người sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không được làm vợ, làm mẹ. Hàng chục nghìn người đang sống trong đau đớn. Họ nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”-  Chủ tịch VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh xúc động chia sẻ.

Nói về di chứng của chất độc da cam, GS. Vũ Quý, nhà khoa học có hơn 30 năm nghiên cứu hậu quả chất độc dioxin cho biết: Không có nỗi đau nào khủng khiếp và nguy hiểm như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực. Dioxin là loại chất độc di truyền qua phủ tạng kéo dài, đau đớn hết đời này qua đời khác. Hàng chục loại bệnh nguy hiểm hành hạ người nhiễm, hành hạ đến chết vẫn chẳng buông tha, hành hạ tiếp con cháu của họ. Các thế hệ sau ra đời từ dòng máu của người bố, mẹ bị nhiễm chất độc da cam càng bi thảm hơn.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam trong suốt 10 năm (1961 - 1971) vẫn để lại những hậu quả hết sức nặng nề đối với môi trường và sức khỏe con người.

Chủ tịch VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh.

Khoảng trống về hỗ trợ, chăm sóc

Nhiều năm qua, công tác chăm sóc và phục hồi sức khỏe của nạn nhân luôn được Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Quốc phòng quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiện, có khoảng 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Nhiều trung tâm nuôi dưỡng, giải độc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam được xây dựng và đi vào hoạt động trở thành ngôi nhà chung để các nạn nhân được chăm sóc, phục hồi sức khỏe… 

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà cho biết: đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công cơ bản đã hoàn thành với trên 9,2 triệu người; trong đó có gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận. Ngoài ra đã tổ chức xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, trong đó có nạn nhân chất độc da cam.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, một khoảng trống trong hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam là hàng chục nghìn cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3 vẫn chưa có chế độ trợ cấp. “Bao bà mẹ nuôi con mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm và lâu hơn thế, nhưng chưa một lần con biết nhìn mẹ, chưa một lần con cười, chưa một lần con cất tiếng mẹ ơi! Thảm họa da cam đã cướp mất sự bình yên của hàng triệu gia đình người Việt.

"Những gia đình mà tất cả các con đều là nạn nhân lại càng thê thảm, gia đình ông bà Đỗ Đức Địu, Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sinh 15 người con đều bị nhiễm chất độc hóa học, đã mất 12, chỉ còn sống 3 người con đều bệnh tật là một ví dụ điển hình. Nỗi đau da cam dioxin để lại rất nặng nề nhưng chính sách dành cho đối tượng này vẫn còn nhiều khoảng trống” - Phó Chủ tịch VAVA Nguyễn Thế Lực chia sẻ.

Theo thống kê của VAVA, hiện vẫn còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm chất độc da cam do bị thất lạc giấy tờ, xác định cụ thể loại bệnh… Đặc biệt là thế hệ thứ 3, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng.

Thái Yến