Nhân chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta

Chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu

- Thứ Ba, 07/09/2021, 07:21 - Chia sẻ
Sáng 7.9 giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 chính thức khai mạc tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo với chủ đề “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất này”. Dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng với hơn 140 nhà lãnh đạo nghị viện trên toàn thế giới thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giảm thiểu tác động của Covid-19 và vai trò của chủ nghĩa đa phương. Đoàn Việt Nam sẽ tham gia tích cực các hoạt động của hội nghị, khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

Biểu thị cao nhất ý chí chính trị, cam kết hành động

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (Hội nghị) là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, với chương trình nghị sự là những nội dung bao trùm, có tính thời sự, cấp thiết trên toàn cầu. Hội nghị là hình thức biểu thị cao nhất ý chí chính trị, cam kết hành động của những người đứng đầu các cơ quan lập pháp trên thế giới với Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các thách thức vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, luật pháp quốc tế, dân chủ, nhân quyền và bình đẳng giới.

Từ Tuyên bố Thiên niên kỷ của Hội nghị lần thứ nhất về “Tầm nhìn Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm Thiên niên kỷ thứ ba” tới các Tuyên bố cấp cao của 4 Hội nghị được tổ chức vào các năm 2005, 2010, 2015 và phần một của Hội nghị lần thứ 5 tổ chức trực tuyến năm 2020 đã thể hiện ý nghĩa và những đóng góp quan trọng của hội nghị trong đời sống chính trị quốc tế, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của các cơ chế hợp tác giữa IPU và Liên Hợp Quốc. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sức sống của chủ nghĩa đại nghị và hợp tác liên nghị viện đa phương trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được tổ chức trực tiếp tại Cộng hòa Áo trong bối cảnh thế giới và các nước châu Âu bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trước đó, trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 không thể tổ chức Hội nghị trực tiếp, IPU và Quốc hội Áo đã tổ chức phiên họp trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, thu hút 115 người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước trên thế giới tham dự. Tại phiên họp này, lãnh đạo nghị viện các nước đã nghe tham luận của các nhà khoa học và kinh tế hàng đầu trên thế giới, kêu gọi các nghị viện yêu cầu Chính phủ tăng cường trách nhiệm giải trình trong ứng phó về kinh tế và y tế trong đại dịch; mong muốn nghị viện lắng nghe các nhà khoa học, phân bổ ngân sách nhiều hơn cho lĩnh vực y tế cộng đồng và hỗ trợ các nhân viên y tế; thúc đẩy các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền kinh tế không có carbon.

Chủ động đóng góp xây dựng và đưa các cam kết vào cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị nhằm khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Nghị viện Áo, tăng cường quan hệ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước.

Chủ tịch Quốc hội sẽ tham gia phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về những nội dung quan trọng bao gồm phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế số, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội sẽ tham gia thảo luận chuyên đề về “phát triển bền vững, sự lựa chọn giữa bảo vệ môi trường, sự ấm no, hạnh phúc của người dân hay phát triển kinh tế thuần túy”. “Chuyên đề này hoàn toàn phù hợp với chính sách phát triển của Việt Nam hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Chúng ta không vì lợi ích kinh tế mà hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội. Mỗi bước đi của Việt Nam và mỗi chính sách đều phải tính toán, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này sẽ tập trung vào nội dung này”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết.

Cùng với đó, Đoàn Việt Nam sẽ chia sẻ và đóng góp các ý kiến, ý tưởng góp phần vào công cuộc phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu. Thông qua các tiếp xúc song phương trong khuôn khổ hội nghị, Đoàn Việt Nam sẽ triển khai tích cực ngoại giao vaccine để hỗ trợ nguồn lực phòng, chống dịch trong nước.

Là thành viên tích cực của IPU, Quốc hội Việt Nam thường xuyên cử Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới kể từ năm 2000 tới nay.

Tại Hội nghị đầu tiên năm 2000, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự, tiếp tục thể hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và góp phần tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 2, trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của Nghị viện đối với Liên Hợp Quốc, các hoạt động quốc tế, từ đó nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp nhằm thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế. Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nêu quan điểm của Việt Nam về quan hệ đối tác nghị viện toàn cầu vì các mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2010, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 3, tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs); về xây dựng chuẩn mực nghị viện toàn cầu, “Hướng tới 2015: Cam kết thực hiện MDGs và tăng cường sự tin tưởng giữa Nghị viện và Nhân dân”.

Tại Hội nghị lần thứ 4 năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cùng các nhà lãnh đạo nghị viện thế giới thông qua Tuyên bố Hội nghị, đề cập tới điều kiện tiên quyết bảo đảm cho dân chủ và phát triển bền vững là hòa bình và an ninh, lên án khủng bố, bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, kêu gọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại và thương lượng chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.

Năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến của Hội nghị lần thứ 5. Phiên họp trực tuyến đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị kêu gọi giải pháp toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, bày tỏ tin tưởng vào vai trò của Liên Hợp Quốc; nêu cao vai trò của giới trẻ trong nghị viện, vấn đề đổi mới công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghị trường trong bối cảnh đại dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, không chỉ tích cực tham gia, đóng góp ý kiến để xây dựng các cam kết, tuyên bố chung của IPU và Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Việt Nam và Quốc hội Việt Nam còn rất tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện, đưa các Nghị quyết, Tuyên bố của IPU vào cuộc sống… Đơn cử như Tuyên bố tại Hội nghị năm 2000, Việt Nam được thế giới đánh giá là nước thực hiện rất tốt các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế và giáo dục…

Hay với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng chương trình này, thể hiện ở việc tại Đại hội đồng IPU lần thứ 132 do Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức, các nghị viện thành viên đã bàn bạc và thống nhất ra Tuyên bố Hà Nội "Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Tuyên bố này đã được chuyển tới Hội nghị của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ do Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 9.2015, đóng góp rất quan trọng để Liên Hợp Quốc xây dựng và ban hành Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Sau Tuyên bố Hà Nội và khi Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững được thông qua, Quốc hội Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với IPU và Liên Hợp Quốc tổ chức các hội nghị khu vực cũng như quốc tế để triển khai chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ví dụ như Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã phối hợp với IPU, Liên Hợp Quốc để công bố bộ công cụ tự đánh giá của các nghị viện về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ủy ban Đối ngoại với tư cách là cơ quan đầu mối về việc giám sát thực hiện các cam kết này cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Ủy ban liên quan của Quốc hội xây dựng chương trình triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Quốc hội, các cơ quan Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Với những đóng góp thực chất, sự chủ động, tích cực và sáng tạo trong việc triển khai thực hiện, đưa các Nghị quyết, Tuyên bố của IPU vào thực tiễn cuộc sống trong thời gian qua, chuyến tham dự Hội nghị lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và cam kết của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu.

Phạm Thúy