Chung tay phòng, chống dịch

- Thứ Bảy, 07/08/2021, 05:31 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 1068/CĐ-TTg yêu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các địa phương, cơ quan liên quan triển khai phương án huy động lực lượng vận tải chuyên dụng của Nhân dân và doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về phòng chống dịch và y tế, kết nối tổng đài của Trung tâm cấp cứu 115, trung tâm hỗ trợ người dân của các địa phương tham gia chuyên chở bệnh nhân đến các cơ sở y tế một cách kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, chưa đến 1 tuần, người đứng đầu Chính phủ đã ban hành tới 2 Công điện về phòng, chống dịch. Điều đó cho thấy, yêu cầu về phòng chống dịch đã ở giai đoạn rất gấp rút, cần kíp không thể chậm trễ hơn nếu chúng ta muốn bảo vệ an toàn cho tính mạng người dân, bảo đảm cho sản xuất không bị đứt gãy.

Ở lần bùng phát dịch lần thứ 4 này, tính đến nay, số ca nhiễm trong nước đã lên tới hơn 189 nghìn ca, nhiều tỉnh, thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội để giảm thiểu lây lan dịch bệnh. Nhân lực y tế cả nước đã được huy động tối đa để chi viện cho nhiều tỉnh, thành miền Nam.

Là địa phương có số ca nhiễm tăng nhanh, nhu cầu về xe cấp cứu cũng như phương tiện hỗ trợ việc phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh ở thời điểm này là có thực. Do đó, việc huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức có phương tiện hỗ trợ thành phố phòng chống dịch là rất cần thiết vào lúc này.

Mới đây, Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh có công văn yêu cầu hãng xe taxi của Tập đoàn Mai Linh tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, 200 xe taxi Mai Linh chuyển đổi thành xe vận chuyển bệnh nhân có nhân viên y tế đi kèm và các trang thiết bị y tế cơ bản như bình oxy, mặt nạ thở, máy đo SpO2, kit xét nghiệm nhanh để hỗ trợ vận chuyển cấp cứu chuyển viện tại TP. Hồ Chí Minh và hoạt động 24/24. Khi người dân có nhu cầu cấp cứu, chuyển viện thì gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc các cơ sở cách ly quận, huyện, thành phố Thủ Đức có nhu cầu chuyển bệnh thì Trung tâm điều tiết tổ phản ứng nhanh của xe taxi sẽ điều xe để đưa đến bệnh viện phù hợp. Ngoài ra, còn có 300 xe taxi Vinasun, hay Công ty cổ phần xe khách Phương Trang cũng tham gia hỗ trợ... Đây là thời điểm không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh, thành khác cũng rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, người dân trong cuộc chiến với Covid-19.

Còn nhớ, khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, ông Phạm Văn Mẫn, Giám đốc một công ty công nghệ ở Hà Nội dù đã 67 tuổi nhưng vẫn làm đơn tình nguyện để hàng ngày làm nhiệm vụ đưa đón các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến và các bác sĩ tại Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang khiến chúng ta xúc động bởi một tinh thần xả thân vì một nghĩa lớn - chống dịch. Với ông Mẫn, “vào đến tâm dịch rồi mới biết thế nào là cuộc chiến”. Ông Mẫn chia sẻ rằng, các bác sĩ tình nguyện, hăng hái, khiến ông học hỏi được rất nhiều điều ở lớp trẻ, trong những ngày là một tình nguyện viên trong cuộc chiến với dịch.

Ông Mẫn chỉ là một trong hàng nghìn tình nguyện viên đã và đang ở vùng tâm dịch. Họ ngày thường là những cán bộ, công chức, là ca sĩ, diễn viên, những anh chị tài xế… nhưng khi đất nước cần, họ đã quên đi những hiểm nguy, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ với một trái tim đầy nhiệt huyết, với một mục đích duy nhất chung tay cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.  

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động sức mạnh cộng đồng cùng tham gia phòng, chống dịch theo tinh thần của Thủ tướng là điều rất cần thiết vào lúc này. Tin rằng, với truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay, mỗi người dân Việt, mỗi doanh nghiệp Việt sẵn sàng chung tay để đẩy lùi dịch bệnh bởi những hành động thiết thực.

Lê Hùng