“Chuỗi cung ứng nông sản đứt gãy nghiêm trọng!”

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 05:32 - Chia sẻ
“Xuất nhập khẩu khó, vận chuyển khó, nhân lực khó, ba cái khó này cộng lại làm chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy nghiêm trọng”, chuyên gia nông nghiệp HOÀNG TRỌNG THỦY nhận định.

 Hàng triệu tấn nông sản dồn đọng, mất giá

- Nông sản ở Nam Bộ và Tây Nguyên hiện khó tiêu thụ do nhiều địa phương thực hiện giãn cách để chống dịch. Có người nói chuỗi cung ứng nông sản nguy cơ đứt gãy, người cho rằng đã đứt gãy rồi, ý kiến của ông thế nào?

- Tháng 8 và tháng 9, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên vào mùa thu hoạch. Ước có 8 triệu tấn lúa, gần 4 triệu tấn rau củ, 400 triệu quả trứng, 600 nghìn tấn thịt gà, 120 nghìn tấn hải sản, 80 nghìn tấn thịt lợn hơi và trên 6 triệu tấn hoa quả... đang cần tiêu thụ. Lại thêm hàng chục nghìn tấn gạo và nông sản xuất khẩu còn ứ đọng ở Tân Cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái chưa biết ngày nào mới được đi. Tôi cũng vừa nhận được thông tin từ doanh nghiệp cho biết các hãng tàu không nhận vận chuyển hàng trái cây, rau củ bằng kho lạnh bởi rủi ro cao.

Phòng chống Covid-19, nhiều tỉnh siết chặt đi lại, chi phí vận tải tăng nhanh, nhiều chợ truyền thống, đầu mối đóng cửa. Các công ty chế biến, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải tạm ngừng hoạt động. Phương châm “3 tại chỗ” chìm trong khó khăn. Trong khi giá bán (đầu ra) đã chạm ngưỡng thì nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như thức ăn chăn nuôi, phân bón giá tăng cao.

Xuất nhập khẩu khó, vận chuyển khó, nhân lực khó - cộng lại làm chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy nghiêm trọng, nguyên nhân trực tiếp là dịch Covid-19. Đã có hàng triệu tấn nông sản bị dồn đọng, mất giá, đứt gãy không còn là “nguy cơ” nữa!

- Vậy còn nguyên nhân gián tiếp thì sao, thưa ông?

- Chuỗi cung ứng là một hoạt động tập thể theo quy trình chung từ đầu vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, thành phẩm và thương mại (bán - mua), được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa.

Rọi khái niệm ấy vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở 26 tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ thấy có nhiều hạn chế, yếu kém của các tác nhân trong “chuỗi”, gồm doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân. Nhà nước tuy không đứng trong chuỗi cung ứng nhưng có chức năng định hướng, dẫn dắt thông qua chính sách, quản lý, đầu tư, điều chỉnh và bệ đỡ cho phát triển…

Bảo đảm chuỗi cung cứng trong nông nghiệp

“Tại cả đôi bên!”

- Cụ thể những khiếm khuyết đó như thế nào?

- Xin chọn ra 2 vấn đề lớn của chuỗi mà ai cũng nhận thấy có những khiếm khuyết từ bên trong.

Ví dụ dịch vụ hậu cần (logistics) ngành hàng nông sản, chi phí kho chứa, bến bãi, vận chuyển, bảo quản… rất cao như thủy sản lên tới 12%, gỗ sản phẩm gỗ 23%, rau quả 29,5%, lúa gạo 30%. Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và gấp 3 lần Singapore. Tôi nhớ có ĐBQH Khóa XIV nói rằng, phí vận chuyển nông sản từ đồng bằng sông Cửu Long ra Hà Nội gấp 2 lần sang Mỹ. Đã vậy doanh nghiệp logistics đa phần là doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất lạc hậu. Vì vậy, chuỗi cung ứng vận hành bị phân khúc ngay trên từng công đoạn, không thể thông suốt, các doanh nghiệp không muốn đầu tư phát triển. Thế nên, nông sản xuất khẩu của Việt Nam luôn “đỉnh về lượng và đáy về giá”.

- Vấn đề thứ hai là gì, thưa ông?

- Là về cách nghĩ và cách làm! Điểm khác biệt của “chuỗi” là các tác nhân trong chuỗi phải hợp tác thay vì cạnh tranh, có chung tầm nhìn chiến lược, mục tiêu và cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro. Như vậy, để chuỗi không “đứt gãy” thì “hoạt động tập thể” là yếu tố tiên quyết cho liên kết “4 nhà” về khoa học kỹ thuật - công nghệ, vùng sản xuất hàng hóa và sự minh bạch về lợi ích của các bên tham gia.

Khi chưa có dịch, liên kết này còn yếu kém. Gắng mua, gắng bán, bán xong có lợi nhuận là xong, tư tưởng ấy đã ghim vào đầu doanh nghiệp. Giá xuống rồi giá lại lên, tâm lý ấy cũng ghim vào đầu người sản xuất. Hai chủ thể của “chuỗi” mà vậy thì nông sản của ta cứ như chiếc xe một bánh chạy vòng tròn, chạy mãi mà chưa đến đích. Nay giãn cách xã hội chuỗi cung ứng lại đứt gãy nặng nề thêm, mà nói như lời người xưa thì “tại anh, tại ả, tại cả hai bên”.

- Theo ông đâu là giải pháp cấp thiết trong lúc này?

- Trước hết, từng địa phương, hiệp hội ngành hàng nắm thông tin đầy đủ, kịp thời về diện tích, thời gian thu hoạch, sản lượng của từng loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Các tỉnh, thành phố tự cân đối mức và nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, nhu cầu xuất khẩu. Nguồn dôi dư cần tiêu thụ ngoài tỉnh thì chủ động kết nối với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tư vấn thương mại, khai thác thị trường và chủ động phương tiện, nhân lực khi có hợp đồng bán - mua.

Hai là, củng cố, xây dựng và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử với tất cả các đơn vị dịch vụ, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước, vùng miền và nội tỉnh. Trong đó, ưu tiên cho sản phẩm đã đến độ thu hoạch và các hợp đồng đến thời điểm giao hàng. Những sản phẩm có thể thu hoạch rải vụ hoặc lưu giữ, bảo quản lâu dài được thì động viên, khuyến khích chủ hộ, nông trại chủ động xử lý, khi có thời cơ, điều kiện sẽ “bung hàng”.

Các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông nông sản, phải tạo "luồng xanh" cho mặt hàng này. Các ngân hàng thương mại cần mở thêm hạn mức tín dụng, có chính sách ưu đãi lãi suất để các công ty tích cực thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế “mạnh tay” hơn trong cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi của doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Cơ quan chức năng nên ưu tiên tiêm vaccine cho những người tham gia trực tiếp trên hiện trường trong chuỗi cung ứng như tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, xuất nhập khẩu, điều phối hiện trường…

- Xin cảm ơn ông! 

Quang Khánh thực hiện