An toàn thực phẩm

Chuyển biến rõ nét từ nhận thức tới hành động

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 18:11 - Chia sẻ
Nhận thức được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người và sự phát triển bền vững, thời gian qua, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã phối hợp cùng chính quyền các cấp triển khai hiệu quả nhiều chương trình với những mô hình mới mang lại thay đổi rõ nét từ ý thức sử dụng đến kinh doanh thực phẩm.

Nhiều kết quả khả quan, tích cực

Theo đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn quận phát triển rất nhanh, mô hình kinh tế thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao; nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng tăng nhanh và đòi hỏi đi kèm chất lượng. Cùng với sự đa dạng các mặt hàng thực phẩm, số lượng các cơ sở kinh doanh đã ngày càng nhiều lên, đặc biệt là siêu thị vừa và nhỏ, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, tổng số cơ sở trên địa bàn quận năm 2016 là 3.265 cơ sở, đến năm 2020 là 4.655 cơ sở thực phẩm.

Kết quả kiểm tra 16/16 bếp ăn trường học quận Cầu Giấy đều đạt yêu cầu vệ sinh ATTP
Kết quả kiểm tra 16/16 bếp ăn trường học quận Cầu Giấy đều đạt yêu cầu vệ sinh ATTP

Về tình hình thực hiện công tác an toàn thực phẩm (ATTP), quận Cầu Giấy đã triển khai mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Tính đến năm 2020 trên địa bàn quận đã xây dựng và duy trì 11 tuyến phố, trong đó có 3 tuyến cấp thành phố gồm Duy Tân, Trần Vỹ, Vũ Phạm Hàm và 8 tuyến phố cấp quận. Trong đó tiêu biểu đã xây dựng 8 tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây theo đúng quy định tại Đề án trên địa bàn quận không kinh doanh trái cây trên vỉa hè, lòng đường. Triển khai thí điểm mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học” tại 3 trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc, Nam Trung Yên, Nghĩa Tân.

Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban ngành phối hợp triển khai quyết liệt, tích cực 3 đợt cao điểm nối tiếp nhau, xen kẽ kiểm tra chuyên đề, chuyên ngành định kỳ theo tuần hoặc kiểm tra đột xuất. Trong giai đoạn 2016-2020, đã kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm hơn 12,7 tỷ đồng. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND quận cũng đã thu giữ, tiêu hủy rất nhiều các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá thời hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, quận đã tiến hành kiểm tra 16 bếp ăn tập thể trường học. Kết quả, 16/16 bếp ăn đều đạt yêu cầu, bảo đảm vệ sinh, trang thiết bị đầy đủ, đa số các bếp ăn được đặt ở tầng 1 bảo đảm vệ sinh, có nguồn nước sạch được xét nghiệm định kỳ. Các trường cũng đã phối hợp với phòng khám đa khoa Yên Hòa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các nhân viên bếp ăn, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. 

Là một đơn vị điển hình trong thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố một năm qua, phường Hàng Trống đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trên địa bàn phường và ý thức của nhân dân về an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm phường đã chỉ đạo Tổ liên ngành với nòng cốt là Trạm Y tế phường đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phổ biến đến cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và hộ dân các quy định về an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thực hiện ký cam kết về việc bảo đảm công tác an toàn thực phẩm.

Nâng cao nhận thức về ATTP

Nhờ có sự quan tâm đúng mực về công tác ATTP của Bộ Y tế cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về công tác bảo đảm ATTP.

Cụ thể, trong một năm thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đối với 15 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở, với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Qua đó có thể nhận thấy hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được nâng lên một bậc, người dân cũng đã có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc chấp hành pháp luật hơn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Chú trọng thanh kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tiến độ thí điểm thanh tra chuyên ngành tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông, báo chí với cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác an toàn thực phẩm. Thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng.

Hoàng Yến