Chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19

- Thứ Ba, 28/09/2021, 14:42 - Chia sẻ
Sáng 28.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức Toạ đàm Kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham dự của gần 40 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, bộ, ban ngành Trung ương, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì tọa đàm

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Kinh tế số, trong đó có tài chính số, ngân hàng số sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả hàng đầu phục hồi kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng.

Tọa đàm nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các khuyến nghị chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác tốt hơn các nguồn lực, thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trong phát triển kinh tế số
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trong phát triển kinh tế số

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi về kinh tế số ở Việt Nam; những thuận lợi và khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số ở Việt Nam nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nghe đại diện Đại sứ quán một số nước ở Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi kinh tế số, tài chính số và ngân hàng số và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

	Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng phát biểu tại toạ đàm
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng phát biểu tại tọa đàm

Các đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ luỵ về kinh tế nhưng cũng là chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số. Thực tế cho thấy, dưới tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đã thực sự chuyển mình trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tiến trình chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: không đồng đều trong thích ứng với sự thay đổi của công nghệ; hành lang pháp lý chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho chuyển đổi số và sự xuất hiện của các mô hình kinh tế số mới, cơ sở hạ tầng kinh tế số còn hạn chế...

Các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm thúc đẩy kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19, tạo bước tiến trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Trong đó, cần đầu tư vào yếu tố mang tính nền móng là con người, thể chế và công nghệ. Bên cạnh đó, không thể đạt được sự phát triển của kinh tế số nếu không có sự tham gia của các công ty tư nhân. Điều này đòi hỏi cần cách tiếp cận cân bằng giữa hỗ trợ và quản lý trong các chính sách của nhà nước về kinh tế số.

Kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, chuyên sâu, độc lập của các đại biểu. Kết quả tọa đàm sẽ là nguồn thông tin “đầu vào” quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, phát triển kinh tế số.

Thanh Chi