Long An

Chuyển đổi sản xuất, mở hướng đi mới

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:33 - Chia sẻ
“Rẽ ngang vùng đất Châu Thành/Thanh long trải một màu xanh bạt ngàn...” Được xem là một trong những địa phương phát triển vườn thanh long lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An đã và đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm điều kiện đóng gói xuất khẩu sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Long An phát triển vùng thanh long bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ

Theo Giám đốc Sở Công thương Long An Nguyễn Tuấn Thanh, trung bình mỗi năm sản lượng thanh long của tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn. Bên cạnh thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao. Đặc biệt, quả thanh long Châu Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thanh long Tầm Vu được bảo hộ tại 5 quốc gia gồm Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

Tính chất khác biệt của thanh long Châu Thành, Long An có được là nhờ điều kiện độc đáo về tự nhiên và tập quán canh tác của người dân. Đất tại khu vực địa lý chủ yếu là đất phù sa, giàu mùn, tỷ lệ thịt sét cao; có nguồn nước tưới dồi dào, chủ yếu từ sông Tiền Giang, sông Vàm Cỏ, độ pH trung tính, không bị nhiễm mặn. Hệ thống tưới tiêu, kênh rạch chằng chịt, thoát nước tốt vào mùa mưa, cấp nước tốt vào mùa hè; tình trạng lũ lụt, khô hạn và thiếu nước hiếm khi xảy ra. 

Quan trọng hơn, do yêu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa nông sản và an toàn thực phẩm ngày càng cao; để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tìm đầu ra bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm thanh long, thời gian qua, người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã chọn giải pháp chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Người dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tưới nước tự động đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng và nước tưới. Việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/ha. 

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và xu thế phát triển của thế giới. Giá trị xuất khẩu hàng năm của thanh long khoảng 40 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương. Những kết quả đó có được là nhờ ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã chú trọng triển khai tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất; giúp nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất hay, mới và có hiệu quả cao. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, hiện toàn tỉnh có hơn 12.167ha thanh long, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 95% so cùng kỳ năm 2020. Diện tích cho trái khoảng 11.142ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP. Tân An. Trong đó, huyện Châu Thành được xem là thủ phủ thanh long của tỉnh Long An với diện tích hơn 9.100ha, cho sản lượng gần 300.000 tấn/năm.

Mở ra cơ hội xuất khẩu từ việc cấp mã vùng

Để mở ra cơ hội giúp trái thanh long của tỉnh được các thị trường khó tính đón nhận, từ tháng 5.2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch tập thể vùng trái cây (quả thanh long) xuất khẩu của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cho 5 hợp tác xã đi đầu phát triển vùng trồng thanh long công nghệ cao trên địa bàn huyện Châu Thành, gồm Tầm Vu, Dương Xuân, Thuận Mỹ, Thanh Phú Long...

Với quyền sử dụng mã số, mã vạch cùng sự tự tin về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, một số hợp tác xã trồng thanh long thay vì xuất theo đường tiểu ngạch đã mạnh dạn xuất chính ngạch; chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền tại các thị trường nước ngoài có tiềm năng. 

Là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi từ trồng thanh long truyền thống sang trồng theo hướng hữu cơ, đạt chất lượng cao ở huyện Châu Thành, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân đã, đang sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần giúp ổn định đầu ra và tăng lợi nhuận cho các thành viên. Hiện Hợp tác xã có 60ha thanh long được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và sẽ thực hiện thêm 50ha thanh long theo hướng VietGAP, 50ha thanh long theo hướng GlobalGAP. 

Theo Hiệp hội thanh long Long An, hiện có trên dưới 100 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Cùng với đó, Long An còn có nhà máy xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Dương Cầm