Cà Mau

Chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Hai, 25/10/2021, 07:06 - Chia sẻ
Là tỉnh duy nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển khoảng 254km, Cà Mau là một trong những địa phương chịu tác động nặng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những năm gần đây, Cà Mau đã từng bước chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại để tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững.
	Người dân Miệt thứ U minh cũng đã dần thay đổi sinh hoạt để tích ứng với biến đổi khí hậu
Người dân Miệt thứ U minh cũng đã dần thay đổi sinh hoạt để tích ứng với biến đổi khí hậu

Tác động bất lợi của biến đổi khí hậu

Với  87 cửa sông thông ra biển, phần lớn diện tích của Cà Mau thuộc vùng đất ngập nước ven biển, nhiều địa phương trong tỉnh thường xuyên bị nước mặn xâm nhập trong những tháng mùa khô. Hàng năm, những đợt xâm nhập mặn làm hàng chục nghìn ha lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại, rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng thường xuyên đối mặt với nguy cơ cháy rừng cấp độ IV-V, đường giao thông bị sụp, lún, sạt lở, các hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng... Thực trạng này khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh nghèo khó, phải rời bỏ quê hương, tìm đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tìm việc làm.

Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng cao (xấp xỉ 200.000m3/ngày đêm) kéo theo tình trạng sụt lún đất, ô nhiễm nguồn tài nguyên nước dưới đất. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Viện Địa kỹ thuật Na Uy, trong vòng 15 năm gần đây, bình quân mỗi năm nền đất ở Cà Mau bị sụt lún khoảng 1,9cm - 2,8cm. Nếu tình trạng khai thác nước ngầm tiếp tục gia tăng thì trong vài thập kỷ tới, cùng với tác động của nước biển dâng, nhiều vùng đất ven biển ở Cà Mau sẽ chìm trong nước biển.

Tác động của biến đổi khí hậu còn kéo theo tình trạng sạt lở ven biển, ven sông, sụt lún nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện ven biển ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, ở vùng ven Biển Đông của tỉnh, đến nay vẫn chưa hình thành được tuyến đê biển, nên khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn nhiều hạn chế, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng nghìn hộ dân.

Theo Báo cáo Tham luận của UBND tỉnh Cà Mau tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL tháng 3.2021, thời gian qua, nhiều quy hoạch sản xuất, quy hoạch thủy lợi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau, tuy đã được phê duyệt nhưng do không có nguồn lực đầu tư đã kéo theo hệ lụy sản xuất tự phát, không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên nước ngầm. Trung ương cần sớm phối hợp triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước ngọt cho các tỉnh vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long để nhanh chóng thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng thủy lợi, tỉnh cần quan tâm đầu tư kết nối đồng bộ, phát huy hệ thống giao thông vận tải thuỷ nội địa để phát triển chuỗi liên kết sản xuất của toàn vùng. 

Chuyển đổi để thích ứng

Để giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, Cà Mau hướng thực hiện phương châm phát triển là phải chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng với các điều kiện tự nhiên; trong đó lấy thích nghi là chính, xem nước mặn là một nguồn tài nguyên lớn cần khai thác, sử dụng hợp lý. Đồng thời, tỉnh chú trọng việc nghiên cứu, tận dụng các lợi thế do biến đổi khí hậu tạo ra; quản lý, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên đất hợp lý, tích hợp các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch sản xuất, kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Từ đó, xây dựng định hướng phát triển cụ thể cho từng tiểu vùng, phân bố hợp lý các nguồn lực đầu tư, kết hợp hài hòa cả giải pháp công trình và phi công trình trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên cho biết, đến nay tỉnh đã quy hoạch các vùng, tiểu vùng, xác định lại diện tích sản xuất lúa đang nằm xen kẽ trong các vùng nuôi tôm để chuyển sang mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm nhằm bảo đảm hiệu quả và bền vững. Riêng về nguồn nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt (bao gồm cả nước ngọt và nước mặn), tỉnh đã xây dựng quy hoạch và kế hoạch đầu tư hạ tầng cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tiến tới chấm dứt khai thác nguồn nước ngầm.

Trước mắt, tỉnh chủ trương huy động nhiều nguồn lực đầu tư các hồ chứa nước mưa ở các vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ, mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa kết hợp với việc tuyên truyền, vận động người dân ở vùng ven biển chứa nước mưa theo quy mô hộ gia đình. Để chủ động cung cấp nước cho sản xuất, trước mắt tỉnh chọn một số địa phương thí điểm xây dựng hệ thống công trình điều tiết, cấp nước ngọt, nước mặn cho sản xuất một cách chủ động (như vùng sản xuất lúa - tôm), từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng cho nhiều địa phương trong tỉnh.

Trong sắp xếp, bố trí lại dân cư ở vùng ven biển, tỉnh chủ trương chuyển từ bố trí dân cư theo các tuyến kênh, rạch sang bố trí theo cụm, có tính đến việc dịch chuyển các cụm dân cư ven biển vào phía trong để phòng tránh thiên tai. Song song đó, để khắc phục tình trang sạt lở ven sông, ven biển, quan điểm của tỉnh là phải xác định các giải pháp công trình, phi công trình cho phù hợp với nguồn lực đầu tư, đồng thời có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư tham gia bảo vệ bờ biển thông qua việc đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng bị sạt lở.

Bài ảnh: Vũ Châu