Chuyển đổi số - cuộc cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ

- Thứ Tư, 03/11/2021, 11:08 - Chia sẻ
Ảnh: Quang Khánh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày tham luận Định hướng hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Thể chế kiến tạo đóng vai trò quyết định trong việc chấp nhận và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo, bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp luật về giao dịch điện tử. Lý lẽ là bởi trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến. Với thực tế này, việc hoàn thiện xây dựng, sửa đổi Luật về giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành là cần thiết, theo hướng để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử; để việc thực hiện giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn việc thực hiện giao dịch theo các phương thức truyền thống.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ là căn cứ pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đối với công tác quản lý nhà nước, bộ, ngành nào thực hiện quản lý trong môi trường thực ra sao thì bộ, ngành đó khi chuyển sang môi trường số, chịu trách nhiệm quản lý như vậy. Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực. Đặc biệt, bổ sung quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số, kinh tế nền tảng. Bởi, nền tảng số là mô hình hoạt động sử dụng công nghệ số để cung cấp dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng vì tổ chức, cá nhân không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì, càng có nhiều người sử dụng thì chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Do vậy, trong thời gian tới, cần có các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc phát triển các nền tảng có khả năng kết nối hoạt động liên thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, có khả năng liên kết, chia sẻ dữ liệu, tạo được sức mạnh tổng thể và mang lại hiệu quả, tránh việc triển khai trùng lặp, rời rạc. Đồng thời, có các quy định về phối hợp và tổ chức triển khai kế hoạch hành động cụ thể để phát triển các nền tảng số quốc gia. Với mỗi nền tảng số quốc gia, xác định cụ thể cơ chế phối hợp hành động giữa các bộ chuyên ngành để thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

Ảnh: Quang Khánh

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất hoàn thiện hành lang pháp luật về kinh tế số. Bởi, đây là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế số bao gồm: kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế của các ngành, lĩnh vực được gia tăng đáng kể nhờ đầu vào công nghệ số và dữ liệu số, với môi trường số là không gian hoạt động chính. Phát triển kinh tế số ICT làm cốt lõi và là động lực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế số nền tảng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn, xóa nhòa khoảng cách, ranh giới giữa các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hóa của người dân, kết nối trực tiếp giữa cung và cầu, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Để hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý về phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất một số giải pháp. Theo đó, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chuyên ngành cho phù hợp; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực để cụ thể hóa việc thúc đẩy giao dịch điện tử trong mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động và yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật để thực hiện chống độc quyền, chống mua bán, sáp nhập làm ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh, chống các hình thức chuyển giá, chuyển thuế trong kinh tế số; tăng cường quy định để tránh các doanh nghiệp chi phối lạm dụng; tổ chức giám sát thực thi pháp luật bảo đảm nguyên tắc thực thi công bằng, trách nhiệm như nhau trước pháp luật đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định pháp luật để quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, hoạt động của các nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến. Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số và xã hội số.

Lê Bình