Chuyển đổi số là giải pháp đột phá của ngành nông nghiệp

- Thứ Năm, 18/11/2021, 07:47 - Chia sẻ
"Chuyển đổi số sẽ là giải pháp đột phá để hướng tới phát triển ngành nông nghiệp, tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu đó cần có chiến lược dài hơn, hành động và chiến lược phải cụ thể, thực tế". Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17.11 tại Hà Nội.

Khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết, trong suốt những năm đổi mới và hội nhập, nền nông nghiệp phát triển mạnh, chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế, phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định, chuyển đổi số được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và nông nghiệp, nông thôn cũng không đứng ngoài cuộc. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng… Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, trước những khó khăn của dịch Covid-19 và những khó khăn chung của ngành nông nghiệp trong thời gian qua, 9 tháng năm 2021, ngành vẫn đạt mức tăng trưởng 2,74% khi các ngành kinh tế tăng trưởng âm. Đến nay, các chỉ tiêu lương thực, thực phẩm đang đạt và vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, thành công của nông nghiệp hiện nay có nhiều đóng góp của việc triển khai hệ thống giải pháp từ khoa học, công nghệ, đặc biệt chuyển đổi số. Ngành đã dần dần chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao như Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nafood.... Ước tính đến năm 2021, cả nước có 19.000 HTX nông nghiệp, có 79 liên minh HTX, trong đó có trên 2.200 HTX ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất. “Việc ứng dụng chuyển đổi số là những giải pháp tổng thể góp phần nâng cao năng suất, tạo hiệu quả trong đột phá nhằm phát triển nhanh, bền vững nền nông nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Là một tỉnh rất thành công trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu cho biết, việc phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp đã giúp cho giá trị xuất khẩu nông sản của địa phương tăng cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tỷ trọng công nghệ cao trong cơ cấu nông nghiệp cũng tăng theo từng năm, giai đoạn 2005 - 2010 đạt 3,4%; giai đoạn 2010 - 2015 là 30%, giai đoạn hiện nay tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao cơ cấu ngành nông nghiệp là 38,4%. Số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao năm 2010 từ 134 doanh nghiệp, đến nay đã lên đến 360 doanh nghiệp, thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao.

Chuyển đổi số là giải pháp đột phá của ngành nông nghiệp

Tầm nhìn dài hạn, chiến lược cụ thể

Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, Chiến lược và Đổi mới FPT Ditigal chỉ rõ, dù có nhiều tiềm năng nhưng ngành nông nghiệp của nước ta tương đối thủ công, phát triển chậm. Dù có nhiều sản phẩm nông nghiệp, có diện tích đất đai lớn nhưng năng suất cho sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Cùng với thách thức về biến đổi khí hậu, hiện nay xu hướng chuyển dịch lao động ngày càng rõ và trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ ngày càng bị thu hẹp và chuyển sang những ngành dịch vụ khác.

Ông Minh đặt câu hỏi, vậy làm thế nào để duy trì những thành tựu trong nông nghiệp? Theo ông Minh, muốn phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao cần có tầm nhìn dài hạn, hành động cụ thể. Một trong những vấn đề quan trọng là việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải được đề cao, sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng chất lượng, uy tín. Song song với đó, khi tiếp cận đối tượng nông nghiệp, cần tập trung vào đối tượng là người nông dân, mang đến những hành động hữu hiệu và cụ thể. Học hỏi những kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi áp dụng những công nghệ mới trong canh tác. Quan trọng, việc thu thập và phân tích dữ liệu có được nhằm chuẩn hóa các quy trình từ nuôi trồng đến hỗ trợ người nông dân trong quá trình canh tác, đây là vấn đề quan trọng và cần quan tâm hơn.

“Mục tiêu xa hơn sẽ hướng tới hệ sinh thái nông nghiệp, do đó việc chuyển đổi số cần sự đồng hành của nhiều bên, cần tạo hành lang có các bên tham gia. Đặc biệt, là sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, trong đó doanh nghiệp công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng”, ông Minh nhấn mạnh.  

Với những kinh nghiệm mà tỉnh Lâm Đồng rút ra từ những giai đoạn thực hiện, theo ông Nguyễn Văn Châu vai trò chỉ đạo, điều hành của Trung ương sẽ rất quan trọng từ chủ trương, chính sách, khi áp dụng vào thực tiễn trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, phải duy trì thường xuyên, đồng bộ về chủ trương chính sách công nghệ cao, hoạt động quy hoạch phù hơp với điều kiện hệ sinh thái, phát huy lợi thế của từng loại cây trồng. Phải xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, phải có kết nối vùng, thị trường để bảo đảm sản xuất, điều tiết lưu thông thị trường…

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp 2021 - 2025 và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025. “Toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá, tạo động lực mới trong phát triển của ngành, trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, minh bạch thông tin, có trách nhiệm với người sản xuất và người tiêu dùng”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Hạnh Nhung