Chuyển đổi số trong ngành Du lịch - Hướng đi tất yếu

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 19:32 - Chia sẻ
Covid-19 đã tác động tiêu cực, gây thiệt hại lớn cho ngành Du lịch và năm 2022 là thời điểm để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch có những cú chuyển mình thích ứng với “trạng thái bình thường mới” hậu đại dịch. Ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tạo nên sự tiện lợi cho khách hàng được xác định là hướng đi “tất yếu” để khôi phục khó khăn và tạo sự bức phá trong thời đại công nghệ số.

Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo trực tuyến “Nhìn lại 2021- Ngành du lịch- khách sạn: Thử thách và biến đổi”

Mục tiêu “hồi phục” nhanh chóng hậu đại dịch

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch toàn cầu năm 2021 đã chịu tổn thất đến 2.000 tỷ USD vì đại dịch. Năm 2021 du lịch toàn cầu tăng 4% so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 72% so với trước khi đại dịch diễn ra vào năm 2019.

Bất chấp những tiến bộ mới cùng lệnh mở cửa du lịch ở nhiều nước, nhưng sự xuất hiện của những biến thể mới như Delta và Omicron hay tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các nước trên thế giới sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của ngành du lịch toàn cầu năm 2022.

Anh Hoàng Viết Tiến - Đại diện Hiệp Hội Internet Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, sự phát triển ngành du lịch và lữ hành đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Báo cáo quý 3 năm nay do CBRE thực hiện cho thấy công suất phòng bình quân đạt 26,2% và doanh thu trên mỗi phòng chỉ đạt 24,7 USD/đêm.

Từng bước ứng dụng công nghệ để thích ứng

Tác động của dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để những doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch thay đổi thích ứng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là giải pháp sống còn của doanh nghiệp du lịch để tăng trải nghiệm cũng như phục vụ khách hàng.

Trước tình hình đại dịch, thói quen du lịch thay đổi bởi du khách vừa muốn đảm bảo sức khỏe vừa muốn tận hưởng những chuyến đi sau thời gian dài “nghỉ dịch”. Với sự phát triển của xu hướng công nghệ mạnh mẽ, anh Tiến cho biết sẽ có nhiều sản phẩm/dịch vụ mới được ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. 

Cụ thể như khách sạn tiện ích không điểm chạm, ra mắt những giải pháp tối ưu trải nghiệm khách hàng cả hai môi trường online lẫn offline. Đặc biệt là môi trường online do các kênh offline truyền thống đã giảm mạnh các hoạt động sau 2 năm dịch bệnh. Các phần mềm hỗ trợ vận hành khách sạn hiệu quả là công cụ không thể thiếu, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch. 

Ngoài ra nhằm để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tiếp cận khách hàng, cần những kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả để tận dụng khách nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế. Các sản phẩm du lịch - khách sạn cần thay đổi theo nhu cầu khách hàng. Ví dụ như du lịch nhóm nhỏ, du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực…. cần được linh hoạt phát triển theo tình hình mới. 

Cũng theo anh Hoàng Viết Tiến, sự phục hồi của ngành du lịch - khách sạn Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chúng ta có thể tập trung vào 6 biện pháp để phục hồi: Thứ nhất, Việt Nam tập trung phục hồi với thị trường nội địa (gần 10 tỉ USD do khách nội địa chi tiêu năm 2019). Thứ hai, doanh nghiệp cần cân nhắc mô hình giá mới thay vì chỉ giảm giá trong ngắn hạn để kích cầu. Thứ ba, thời điểm tốt để áp dụng các công nghệ số. Thứ tư, tạo dựng sẵn nền tảng để phục vụ khi du lịch quốc tế hoạt động. Thứ năm, tăng trải nghiệm mới cho khách hàng ( trên cả online và offline). Cuối cùng, là vai trò của nhà nước trong hỗ trợ chuyển đổi số ngành du lịch.

PV