Thực hiện chương trình OCOP Hà Nội

Chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm

- Thứ Hai, 18/10/2021, 07:05 - Chia sẻ
Thời gian qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền thông qua hình thức thương mại điện tử, bán hàng online và livestream. Chuỗi các sự kiện này, ngoài duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn còn trực tiếp hỗ trợ học viên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
	Các sản phẩm OCOP được bán trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội
Các sản phẩm OCOP được bán trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội
Ảnh: Khánh Duy

Hỗ trợ trực tiếp đầu ra cho sản phẩm

Anh Vũ Văn Ngọc, thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết: Những năm trước đây, ngoài thị trường tiêu thụ nội thành, gà đồi Ba Vì được thương lái các địa phương lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng tới tận nơi thu mua với số lượng lớn và đều đặn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến sản lượng gà tiêu thụ giảm mạnh. Thu nhập của người nuôi bị ảnh hưởng rất lớn. Trong thời điểm hết sức khó khăn ấy, các xã viên như anh đã nhận được sự giúp đỡ của Sở NN - PTNT Hà Nội thông qua các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng online và livestream trên nền tảng mạng xã hội. Các phương thức bán hàng mới này đã giúp chủ thể như anh cải thiện đáng kể về đầu ra và sản lượng tiêu thụ.

Cũng được tham gia lớp tập huấn kỹ năng livestream giới thiệu và bán sản phẩm do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội tổ chức, Giám đốc Chuỗi Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Anh Thư cho biết: Với những kiến thức có được, chị hoàn toàn tự tin lên sóng livestream bán hàng online. Bản thân chị cũng như nhiều chủ thể đều đánh giá cao giải pháp sáng tạo của các đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ các chủ thể kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Đồng thời, kỳ vọng sự kiện sẽ được lan tỏa để có đông đảo người tiêu dùng Hà Nội và trên cả nước tham gia.

Theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT thành phố Nguyễn Ngọc Sơn, việc khai trương mô hình thí điểm chương trình Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến đã góp phần thực hiện kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn thành phố. Chương trình cũng góp phần hỗ trợ các học viên là các chủ thể OCOP và các nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền được học tập trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng livestream, kỹ năng kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối đến người tiêu dùng Thủ đô. Cùng với đó, khắc phục những khó khăn tồn tại trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua. Đồng thời, hỗ trợ các quận, huyện, thị, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn. 

Thay đổi phương thức tiêu thụ, thói quen tiêu dùng

Sáng lập Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN Nguyễn Trung Thành cho biết: Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với việc quảng bá sản phẩm OCOP. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút người tiêu dùng tìm đến, tiêu thụ sản phẩm. Với sự hợp tác của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các sự kiện kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trực tuyến như: “Chợ đêm trên mây” sẽ tiếp tục được duy trì vào tối thứ sáu hàng tuần. Qua đó, kỳ vọng sẽ thay đổi phương thức tiêu thụ và thói quen tiêu dùng của người dân, bảo đảm ổn định chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Tại các chương trình diễn ra thời gian qua, nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lên sóng livestream, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm. Các sản phẩm được giới thiệu đều có phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng và được kiểm duyệt nghiêm ngặt về chất lượng của Ban tổ chức… 

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, các đơn vị truyền thông không sử dụng ngân sách nhà nước cùng với nhiều tổ chức, cá nhân đã thiện nguyện bằng công sức của mình, hỗ trợ miễn phí cho các học viên tham dự các lớp huấn luyện, đào tạo và các sự kiện thí điểm kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận với nhà sản xuất mà không phải chi phí cho các đơn vị phân phối trung gian.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Khánh Duy