Chuyển giao mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng

- Thứ Sáu, 01/10/2021, 06:47 - Chia sẻ
Vừa chăm sóc trực tuyến, vừa triển khai đội cấp cứu ngoại viện là hoạt động của mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng, đang được Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả. Thông qua các hình thức trực tuyến, các bác sĩ không chỉ nắm bắt được diễn biến của người bệnh mà còn hỗ trợ nâng đỡ tinh thần cho các F0. Những trường hợp trở nặng được chuyển viện kịp thời, đúng tuyến, làm tăng thêm khả năng cứu chữa bệnh nhân, ngăn chặn tử vong ngoài cộng đồng.

Kịp thời phát hiện ca bệnh nặng

Mô hình chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà đã được Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động từ cuối tháng 7.2021. Trên cơ sở huy động lực lượng giảng viên, y bác sĩ, sinh viên y khoa, tình nguyện viên, Đại học Y Dược đã tổ chức mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng, điều trị cho F0 tại nhà với sự phối hợp cùng lúc của 2 đội tư vấn trực tuyến và cấp cứu ngoại viện.

Trong đó, thông qua hình thức tư vấn trực tuyến, đội 1 sẽ thiết lập hồ sơ bệnh án điện tử để theo dõi liên tục sức khỏe, diễn biến và nguy cơ trở nặng của người bệnh. Khi F0 có dấu hiệu trở nặng, nhân viên y tế của đội 1 sẽ liên hệ với đội 2 là lực lượng cấp cứu ngoại viện, trực tiếp đến hiện trường đưa F0 về trạm y tế để hỗ trợ điều trị. Trường hợp sau cấp cứu, bệnh nhân vẫn không cải thiện, có dấu hiệu trở nặng sẽ tiếp tục được chuyển lên tầng trên.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, Trưởng khoa Y, Đại học Y Dược Vương Thị Ngọc Lan cho biết, giải pháp này giúp các y bác sĩ có thể cùng lúc chăm sóc số lượng F0 lớn trong cộng đồng. Mỗi bệnh nhân được cá thể hóa việc chăm sóc theo mô hình bác sĩ gia đình. Người bệnh được bác sĩ tư vấn, theo dõi sát mọi diễn tiến sức khỏe từ khi phát hiện đến khi điều trị khỏi nên bệnh nhân luôn vững tâm về tinh thần. Việc phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng sẽ giúp bệnh nhân được can thiệp, hỗ trợ kịp thời, từ đó giảm tử vong tại nhà. Giải pháp phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, chuyển viện đúng tầng đã tăng khả năng cứu chữa người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên.

"Sau 5 tuần triển khai tại quận 10 và quận 8 của TP. Hồ Chí Minh, số ca bệnh tử vong vì Covid-19 đã giảm rõ rệt, chỉ còn vài trường hợp xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền. Đây là kết quả rất khả quan và mô hình có thể áp dụng ở những địa bàn có số lượng F0 lớn với tỷ lệ tử vong cao” - PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan nói.

Sự hỗ trợ kịp thời cho F0 là giải pháp then chốt ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng, tử vong

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Xác định đây là giải pháp bảo đảm tính bền vững của cả chiến dịch hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, bảo vệ các thành quả phòng, chống dịch đã đạt được, thời gian tới, Đại học Y Dược sẽ chuyển giao mô hình cho các địa phương vận hành. Sau khi chuyển giao, các trạm y tế địa phương sẽ phụ trách đội 1 với nhiệm vụ tư vấn, giám sát từ xa; bệnh viện quận sẽ đảm nhiệm đội 2 với lực lượng cấp cứu, đưa bệnh nhân trở nặng về bệnh viện để kịp thời hỗ trợ chuyên môn sâu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa - người đang trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình quản lý F0 tại cộng đồng, thực hiện trong tình thế bắt buộc bởi bối cảnh dịch bùng phát với số lượng rất lớn không đủ cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân. Tuy nhiên, việc triển khai quản lý F0 tại cộng đồng phát huy hiệu quả rất tích cực, đã giúp giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19, giúp bệnh nhân tự quản lý tại nhà với những điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến quận, huyện đã chuyển công năng sang điều trị bệnh nhân Covid-19, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập hơn 400 trạm y tế lưu động với sự tham gia của các y, bác sĩ tại địa phương, dưới sự hỗ trợ của phía Cục Quân Y với 2.000 chiến sĩ thực hiện thăm khám, chăm sóc F0 tại nhà. Mô hình trạm y tế lưu động đang được áp dụng ở rất nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc và phát huy tốt hiệu quả sau hơn một tháng đi vào hoạt động.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, việc chuyển giao mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” cho y tế địa phương cần có sự tham gia của cả y tế công lập và tư nhân trên địa bàn để mang lại hiệu quả khả quan hơn. Mô hình quản lý F0 tại cộng đồng không chỉ cần nhân rộng ở TP. Hồ Chí Minh mà có thể áp dụng tại các địa phương khác. Việc vận hành nhịp nhàng, hỗ trợ kịp thời cho cả bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp mắc bệnh lý thông thường có nhu cầu cần hỗ trợ y tế sẽ là giải pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt hơn, cần được nghiên cứu triển khai. 

Tùng Dương