Chuyển giao sản phẩm khoa học - công nghệ cho các tỉnh Tây Bắc

- Thứ Sáu, 01/12/2017, 17:31 - Chia sẻ
Ngày 1.12, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Khoa học và Công nghệ, và UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị “Chuyển giao các sản phẩm khoa học - công nghệ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” lần thứ nhất.

Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đồng chủ trì Hội nghị. Đại diện lãnh đạo 12 tỉnh Tây Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An, cùng nhiều nhà khoa học đã tham dự Hội nghị.

58 đề tài đã và đang được triển khai

Với quan điểm “Tất cả vì Tây Bắc phát triển bền vững”, Đại học Quốc gia Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các tổ chức khoa học, các bộ, ngành và địa phương triển khai Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013 - 2018 (Chương trình Tây Bắc). Chương trình nhằm thực hiện các nghiên cứu tổng hợp, liên ngành để cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra, hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng Tây Bắc.


Các đại biểu tham quan gian trưng bày một số sản phẩm trong Chương trình Tây Bắc

Tính đến năm 2017, tổng cộng 58 đề tài thuộc Chương trình đã và đang triển khai, trong đó có 18 đề tài đã nghiệm thu, được Hội đồng khoa học đánh giá cao, thuộc các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên môi trường, an ninh - quốc phòng, quan hệ quốc tế. Các đề tài nghiên cứu vừa có tính vĩ mô gắn với bài toán chung của toàn vùng, liên vùng và tiểu vùng, vừa tập trung giải quyết vấn đề cụ thể của một số địa phương. Trong đó, có những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách mà các địa phương đã và đang phải nỗ lực giải quyết trong quá trình quản lý phát triển như: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các sản phẩm nông, lâm sản theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế du lịch bền vững; bảo vệ môi trường; xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới; quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo...

Việc triển khai các đề tài thu hút được sự quan tâm, tham gia và phát huy được đóng góp của các nhà khoa học đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu mạnh trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn

Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đánh giá, các kết quả nghiên cứu đạt được đến nay về cơ bản bám sát mục tiêu, đã được tách chiết để chuyển giao cho các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương. Việc coi trọng và lựa chọn ứng dụng khoa học - công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai tại các địa phương. Bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc, Chương trình cũng đã nhận được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng; Phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.


Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, sản phẩm của 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước được chuyển giao cho 14 tỉnh trên toàn vùng Tây Bắc. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ đã và sẽ hoàn thành vào các năm 2017 - 2018 hứa hẹn mang lại nhiều kết quả khoa học giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn từ nay về sau.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ khoa học đối với vùng Tây Bắc thông qua Chương trình này; nhấn mạnh: Việc chuyển giao ứng dụng đã được xác định rõ trong mục tiêu của Chương trình và đây cũng là mong muốn chung của các nhà khoa học và nhà quản lý, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ đời sống người dân và sự phát triển của địa phương. “Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ có ý kiến đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì triển khai Chương trình này giai đoạn sau năm 2018. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 1 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2” - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ khẳng định.


Chuyển giao các sản phẩm khoa học - công nghệ trong Chương trình Tây Bắc cho các địa phương

Đại diện các địa phương đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã triển khai trong Chương trình Tây Bắc thời gian qua; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm tốt vai trò điều phối, thực hiện, triển khai chương trình và làm cầu nối đưa hàng nghìn lượt nhà khoa học đến với Tây Bắc, hình thành thêm những ý tưởng khoa học - công nghệ xuất phát từ thực tiễn. Các địa phương mong muốn Chương trình sẽ được tiếp tục sau năm 2018, để sản phẩm và kết quả của các đề tài được nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Anh Minh
Ảnh: VNU