Thực hiện đột phá chiến lược về thể chế phát triển:

Chuyển mạnh sang kiểm soát kết quả đầu ra

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 08:28 - Chia sẻ
Cải cách thể chế tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng ta xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII. Theo PGS,TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cải cách thể chế, luật pháp trong giai đoạn tới phải chuyển mạnh từ kiểm soát quy trình và việc tuân thủ quy trình sang đánh giá, kiểm soát kết quả đầu ra.

Xây dựng thể chế vượt trội, với cách làm mới, sáng tạo

- Một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định là: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện đột phá này trong thời gian qua? 

​​​​​Điều quan trọng trong đổi mới thể chế pháp luật là phải chuyển từ kiểm soát quy trình, kiểm soát việc tuân thủ quy trình sang đánh giá, kiểm soát kết quả đầu ra. Vừa qua, dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến về việc "đúng quy trình" nhưng “sản phẩm sai". Chính vì các quy định của chúng ta vẫn chủ yếu tập trung kiểm soát quy trình nên đối tượng chịu sự quản lý tìm mọi cách "lấp đầy" quy trình, tuân thủ các quy định để sau này không ai bắt bẻ được là họ làm sai quy trình, còn kết quả ra sao thì không quan trọng. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Trong nhiệm kỳ Khóa XI, XII, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Trong ba khâu đột phá này, hoàn thiện thể chế vừa mang tính định hướng, vừa tháo gỡ những nút thắt để tạo ra khuôn khổ, môi trường mới cho phát triển. 

Trong nhiệm kỳ Khóa XII, hoàn thiện thể chế đã đạt được khá nhiều thành công. Điển hình nhất là những hành động mạnh mẽ trong cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để xây dựng nền hành chính công công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng giải quyết công vụ, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội… Từ đó, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, nhanh và hiệu quả hơn đối với các dịch vụ công và công tác quản lý của Nhà nước. Cải cách hành chính đã góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhờ đó, các chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên. Nước ta được đánh giá là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực và thế giới.

- Tuy vậy, kết quả xóa bỏ các quy định, điều kiện bất hợp lý nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, thưa ông? 

- Hoàn thiện thể chế không chỉ đơn thuần là xóa bỏ những điều kiện bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ mà cần hỗ trợ, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII, Chính phủ đã xác định rõ phương hướng là phải chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Như vậy, đã có sự thay đổi hoàn toàn về thể chế quản lý. Trước đây chúng ta đưa ra các điều kiện ràng buộc, doanh nghiệp nào tuân thủ các điều kiện đó thì Nhà nước cho phép hoạt động. Nhưng khi chuyển sang cơ chế Nhà nước phục vụ thì không còn câu chuyện Nhà nước "cho phép hay không cho phép" nữa mà bây giờ, để đạt mục tiêu quản lý, Nhà nước phải đi vào phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ để các doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự quản lý hoạt động thuận lợi nhất, hiệu quả nhất. Rõ ràng, hoàn thiện thể chế cần hướng đến đổi mới phương thức quản lý và có nhiều việc phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: xây dựng thể chế vượt trội, với cách làm mới, đột phá trên cơ sở phát huy nội lực.

Mạnh dạn xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

- Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực vẫn còn nặng về quy trình, thủ tục. Ông có đồng ý với nhận định này?

- Đó cũng là một tồn tại mà chúng ta phải tiếp tục khắc phục và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều đến việc chuyển từ phương thức quản lý theo quy trình sang quản lý theo kết quả, theo đầu ra. Nếu quản lý theo quy trình thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ coi trọng việc xem xét, đánh giá xem anh có tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định về quy trình, thủ tục hay không. Nếu anh tuân thủ đúng, anh thực hiện đầy đủ các quy định thì coi như hoàn thành nhiệm vụ tốt còn kết quả đến đâu không phải là tiêu chí đánh giá cuối cùng. Nhưng nếu quản lý theo kết quả, đầu ra thì điều quan trọng nhất để đánh giá không phải là việc tuân thủ quy trình thủ tục thế nào mà là kết quả cuối cùng có tốt nhất, hiệu quả nhất so với nguồn lực đầu vào hay không.

Quản lý theo kết quả đầu ra sẽ khuyến khích cán bộ, người dân, doanh nghiệp phải suy nghĩ làm cách nào để đổi mới, sáng tạo đạt được kết quả tốt nhất. Muốn tạo đột phá để phát triển thì cần phải thay đổi phương thức quản lý để khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Còn nếu vẫn cứ quản lý dựa trên sự tuân thủ, chấp hành và kiểm soát quy trình thì không thể có đổi mới được. Khi chuyển sang quản lý theo kết quả, đầu ra, Nhà nước cần tạo khung pháp lý để cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp có thể phát huy cao nhất năng lực sáng tạo, đổi mới, mạnh dạn, táo bạo để có thể cho ra kết quả cao nhất, hiệu quả nhất. Đó cũng chính là vấn đề mấu chốt phải tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa XIII nhằm tiếp nối quá trình phát triển mà chúng ta đã đạt được từ các nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ Đại hội Khóa XII. 

- Theo ông, để thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới, cần tập trung vào những vấn đề gì?

- Chúng ta xác định hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, trước hết vẫn phải tập trung xóa bỏ các rào cản pháp lý, các quy định, thủ tục hành chính bất hợp lý, đi ngược lại quy luật của thị trường, những quy định khiến cho yếu tố của thị trường không phát huy được sức mạnh. Ví dụ: chi phí, giá cả mang yếu tố thị trường, có những lúc do thị trường quyết định, dựa vào quy luật cung - cầu, giá được quyết định dựa vào đặc tính của hàng hóa đó có được ưa chuộng hay không... Nếu Nhà nước can thiệp vào giá cả có thể làm cho giá cả trở nên phi thị trường và nảy sinh những tác động tiêu cực. Điển hình là lĩnh vực đất đai. Chúng ta quy định đất đai là hàng hóa đặc biệt, được phép trao đổi, mua bán, chuyển nhượng... nhưng Nhà nước lại quy định giá đất, tức là chúng ta đang quản lý theo kiểu phi thị trường, dùng các mệnh lệnh hành chính để áp đặt thị trường và tất yếu xảy ra những tiêu cực, bất cập trong lĩnh vực quản lý đất đai. 

Vướng mắc ở chỗ hiện nay chúng ta e ngại nếu không dùng các công cụ, mệnh lệnh hành chính thì sẽ bị thị trường dẫn dắt, nhưng thực tế cho thấy, trong một số lĩnh vực khi sử dụng công cụ hành chính để quản lý đã dẫn đến những bất cập. Vì vậy, cái khó nhất hiện nay là phải mạnh dạn xóa bỏ việc quản lý nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính làm méo mó các quy luật của thị trường. Việc này đòi hỏi phải thay đổi về tư duy quản lý và hành động. Chúng ta đã nói nhiều về việc phải tôn trọng quy luật thị trường, đổi mới tư duy, phát triển nền kinh tế thị trường... nhưng trong hành động, chúng ta vẫn còn e ngại. Sự e ngại này do hai yếu tố: về khách quan, chúng ta e ngại tác động của thị trường và về chủ quan là e ngại mất đi quyền kiểm soát - không phải là quyền kiểm soát của Nhà nước mà thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp chỉ là quyền kiểm soát, quyền xin - cho, quyền quyết định của một nhóm lợi ích.

Phải mạnh dạn xóa bỏ sự e ngại trên đây bởi Nghị quyết của Đảng đã nêu rất rõ: chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là Nhà nước phải biết trước, dự báo được những tác động của kinh tế thị trường sẽ đi theo hướng nào và có những biện pháp để tác động, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, những "khuyết tật" của thị trường. 

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải tiếp cận theo hướng áp dụng tối đa các công cụ của thị trường vào các quy định của pháp luật, thay vì áp đặt ý chí, mong muốn cá nhân, cục bộ. Pháp luật phải được hoàn thiện dựa trên các quy luật, yêu cầu của thị trường. Cần mạnh dạn khắc phục, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” vì điều này sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của xã hội. Nếu các biện pháp truyền thống không quản lý được thì phải tìm ra được công cụ, biện pháp mới, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi hết sức nhanh chóng do tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nếu chúng ta thấy cái gì mới, phức tạp, khó quản lý quá mà không chấp nhận, không điều chỉnh pháp luật cho phù hợp thì sẽ là phủ nhận sự phát triển theo quy luật của thị trường, đặc biệt là phủ nhận sự phát triển của đổi mới, sáng tạo trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. 

- Xin cảm ơn ông! 

Nhật An thực hiện