KỲ HỌP THỨ 12, HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI KHóa XVI

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn

- Thứ Hai, 03/07/2023, 05:21 - Chia sẻ

Trước thềm Kỳ họp thứ 12, cử tri và Nhân dân Thủ đô đã gửi 26 câu hỏi thuộc 4 nhóm vấn đề tới UBND thành phố Hà Nội. Qua đó, mong muốn sớm nhận được câu trả lời, giải pháp thỏa đáng về những vấn đề "nóng" trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố ngay tại kỳ họp này.

Quản lý, khai thác hè phố một cách hiệu quả

Đối với nhóm kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, giao thông, đô thị, cử tri quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Cầu Giấy đề nghị, thành phố tập trung giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Đồng thời, nghiên cứu có giải pháp hợp lý, hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư, đảm bảo nguồn sinh kế của nhiều người dân gắn với vỉa hè. Còn cử tri quận Nam Từ Liêm kiến nghị thành phố xem xét, có cơ chế phân cấp cho quận và phường tạm khai thác, sử dụng các quỹ đất đã được quy hoạch xây dựng tại các dự án nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để sử dụng làm các điểm trông giữ xe tạm thời, góp phần giảm việc đỗ xe tràn lan trong các khu đô thị và trên vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn -0
Cử tri một số quận đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành quy trình, quy định về bàn giao hạ tầng kỹ thuật, diện tích dùng chung các khu đô thị, dự án nhà ở

Cử tri các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường trục phía Nam của thành phố, hoàn thành theo đúng các cam kết tại phiên chất vấn của HĐND thành phố. Đồng thời, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt đường Quốc lộ 1A.

Đáng chú ý, cử tri hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên cho biết, đã nhiều lần kiến nghị tình trạng hai bên đường gom dân sinh tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông nhưng chưa được giải quyết thoả đáng.

Ngoài ra, cử tri các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Nam Từ Liêm mong muốn, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành quy trình, quy định về bàn giao hạ tầng kỹ thuật, diện tích dùng chung các khu đô thị, dự án nhà ở; phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước được phân cấp quản lý duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật cũng như đối với các Ban quản trị nhà chung cư… Đặc biệt, cử tri quận Tây Hồ mong muốn có giải pháp lâu dài hỗ trợ các chung cư tái định cư trong công tác bảo trì, bảo dưỡng, quản lý diện tích dùng chung vì không có quỹ bảo trì 2%.

Trong khi đó, cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh gần đây mặc dù đã được đầu tư nhiều về hạ tầng đô thị, trong đó có vấn đề cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngập úng tại nhiều nơi. "Đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét đánh giá nguyên nhân và có phương án khắc phục trong thời gian tới", cử tri quận Hoàn Kiếm nêu rõ.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đất đai, cử tri quận Hoàn Kiếm và huyện Hoài Đức đề nghị, thành phố có những giải pháp quyết liệt hơn trong lĩnh vực đầu tư công, trong đó cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm tập trung giải ngân các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cử tri quận Hà Đông phản ánh việc hướng dẫn thủ tục triển khai đầu tư xây dựng mới chợ chưa có sự thống nhất. Vì vậy, thành phố cần sớm chỉ đạo các sở, ngành thống nhất văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, trong đó có hồ sơ, tài liệu để đăng ký danh mục các dự án thu hồi đất đối với trường hợp dự án thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; đề xuất cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng mới các chợ. (Cử tri quận Hà Đông).

Đặc biệt, cử tri các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên phản ánh thời gian gần đây ở các địa phương thường xuyên xảy ra mất điện dẫn đến việc sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. "UBND thành phố có ý kiến với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để không xảy ra mất điện như hiện nay; có chính sách thu mua điện năng lượng mặt trời nhằm khuyến khích nhân dân lắp đặt, sử dụng điện năng lượng mặt trời góp phần ổn định điện năng", cử tri một số huyện kiến nghị. Ngoài ra, cử tri một số huyện mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; sớm ban hành quyết định phê duyệt diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa...

Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, cử tri của nhiều quận huyện đề nghị có giải pháp đầu tư xây dựng mới các trường TH, THCS, THPT công lập tại các quận nội thành có đông học sinh; có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các trường dân lập; ưu tiên dùng các khu đất của các nhà máy di dời tại nội thành để xây dựng trường học... Đồng thời, thành phố cần quan tâm điều chỉnh tiêu chí sĩ số học sinh/1 lớp học đối với trường chuẩn quốc gia, đặc biệt là cấp Tiểu học và THCS bởi hiện tại các lớp học đều vượt so với tiêu chí.

Riêng đối với lĩnh vực tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền, cử tri quận Thanh Xuân đề nghị thành phố xem xét việc giao Chủ tịch UBND các quận, thị xã chủ động trong việc điều động công chức phường thành công chức hành chínhvà tự chịu trách nhiệm về việc quản lý nhân sự thay vì đề xuất, xin ý kiến thành phố đối với từng trường hợp cụ thể như hiện tại. Còn cử tri quận Đống Đa kiến nghị Thành phố thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, công chức phường; đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ cơ sở... Đáng chú ý, cử tri huyện Gia Lâm cho rằng nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân là rất lớn, tuy nhiên toàn thành phố chỉ có một địa điểm thực hiện duy nhất tại quận Hà Đông, dẫn đến tình trạng quá tải, người dân xếp hàng chờ đợi mất rất nhiều thời gian. Đề nghị UBND Thành phố có phương án giải quyết nhằm tạo điều kiện cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó xem xét, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thực hiện.

Nguyên Khôi