Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56

Chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới và sẵn sàng ứng phó

- Thứ Hai, 06/09/2021, 19:50 - Chia sẻ
Chiều 6.9, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải, Tổng Thư ký ASOSAI đã chủ trì Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56.
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp
Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh phát biểu

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện 12 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên Ban Điều hành ASOSAI.

Báo cáo, tổng kết nhiều nội dung quan trọng

Khai mạc cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi lời chào mừng tới tất cả các đại biểu; đồng thời cảm ơn KTNN Trung Quốc, Tổng Thư ký ASOSAI và KTNN Thái Lan, Chủ nhà Đại hội ASOSAI 15 đã đưa ra những sáng kiến để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56 nói riêng và Đại hội ASOSAI lần thứ 15 nói chung.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định, sự có mặt của các thành viên Ban Điều hành ASOSAI và các đại biểu với tinh thần làm việc trách nhiệm, cởi mở, xây dựng sẽ là nguồn lực quý giá để cùng nhau đóng góp vào thành công của Cuộc họp Ban Điều hành, Đại hội ASOSAI lần thứ 15 và sự phát triển chung của ASOSAI.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Tại Cuộc họp BĐH lần thứ 56, các thành viên Ban Điều hành sẽ tập trung thảo luận và thông qua những vấn đề quan trọng của ASOSAI gồm: Các báo cáo về tình hình tài chính của ASOSAI, báo cáo về thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021 và Dự thảo Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027, báo cáo của các Nhóm công tác, đặc biệt là 2 Nhóm công tác mới của ASOSAI là Nhóm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm kiểm toán quản lý khủng hoảng.

Đặc biệt, trong Cuộc họp lần này, các SAI thành viên sẽ nghe những kết quả đạt được của ASOSAI nói chung và các thành viên nói riêng trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Ban Điều hành cũng đưa ra lựa chọn về ứng viên tổ chức Đại hội ASOSAI 16.

Cuộc họp cũng sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của Ban Điều hành và Ban Thư ký ASOSAI kể từ Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 55, thông qua Biên bản Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 55; báo cáo nhiều nội dung quan trọng khác như: Hoạt động hợp tác của ASOSAI với các tổ chức khu vực, Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 12, khoản tài trợ của ASOSAI với các SAI thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), quá trình chuẩn bị Đại hội ASOSAI 15 và đề xuất Tuyên bố Băng Cốc cùng các báo cáo của các nhóm công tác, ủy ban của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI).

Báo cáo về quá trình chuẩn bị Đại hội 15 và đề xuất Tuyên bố Bangkok, SAI Thái Lan cho biết, Tuyên bố Bangkok 2021 với chủ đề “SAI và việc chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới” được dựa trên những tài liệu đã được đánh giá từ năm tuyên bố quốc tế cần thiết, đó là: Tuyên bố Lima 1977, Tuyên bố Bắc Kinh 2013, Tuyên bố Abu Dhabi 2016, Tuyên bố Hà Nội 2018 và Tuyên bố Moscow 2019. Đây là những tuyên bố mạnh mẽ đại điện cho những khái niệm cốt lõi về sự phát triển kiểm toán trong lĩnh vực công. Nội dung chính của Tuyên bố Bangkok 2021 tuân theo kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2022- 2027, kế hoạch này đưa ra bức tranh toàn cảnh của ASOSAI trong tương lai. Theo SAI Thái Lan: Đại dịch Covid-19 đã định hình lại tương lai của kiểm toán khu vực công, dẫn đến cải cách mới dưới những thách thức trong giai đoạn bình thường mới. Mặc dù đại dịch là một trở ngại đầy thách thức đối với kiểm toán khu vực công, nhưng nó tạo ra cơ hội phát triển trong trạng thái bình thường mới, đặc biệt là tận dụng các công nghệ kiểm toán từ xa và làm việc từ xa.

Tại cuộc họp, đại diện KTNN Malaysia đề xuất thiết lập Uỷ ban đặc biệt nghiên cứu về tính khả thi việc thành lập Nhóm công tác về kiểm toán doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh đặt ra những thách thức về quản trị của doanh nghiệp Nhà nước tại nhiều quốc gia.

Theo KTNN Malaysia, lý do thành lập Uỷ ban đặc biệt này vì khối doanh nghiệp Nhà nước quản lý thiếu hiệu quả về tài chính và vận hành. Điều này đòi hỏi phải có báo cáo toàn diện, đầy đủ về kiểm toán cấp quốc tế, trên cơ sở đó đảm bảo tính minh bạch trong vận hành cũng như trách hiệm giải trình, tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp Nhà nước. Các SAI thành viên Ban điều hành đã thống nhất thông qua đề xuất này do KTNN Malaysia làm Chủ tịch nhóm này.

Tuyên bố Hà Nội- “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”

Báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội giai đoạn 2018- 2021, ông Nguyễn Bá Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam cho biết, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 do phía Việt Nam đăng cai, lần đầu tiên, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng phát biểu tại cuộc họp

Theo ông Nguyễn Bá Dũng, từ 16 báo cáo của 14 SAI trên tổng số 47 SAI thành viên, 1 Ủy ban và 1 Nhóm công tác ASOSAI, có tổng số 60 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động, chủ đề hết sức đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường, như: Quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước; xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế; quan lý phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo; bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất... Ngoài ra, có tổng số 35 cuộc kiểm toán SDGs đã được thực hiện trong giai đoạn 2018-2021.

Các chương trình/dự án kiểm toán này đã hỗ trợ các SAI thành viên trong việc đóng góp, hỗ trợ cho các cơ quan quốc gia đạt được các chính sách quan trọng liên quan đến các SDGs. Thông qua các cuộc kiểm toán về SDGs, các SAI đã một lần nữa khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong khu vực công bằng cách đảm bảo khả năng đáp ứng của các cuộc kiểm toán với những tình huống mới. Vì vậy, nhiều chương trình/dự án kiểm toán về SDGs đang được lên kế hoạch tiến hành trong tương lai gần.

Phát triển bền vững lĩnh vực kiểm toán môi trường

Báo cáo về việc thành lập Nhóm công tác ASOSAI về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Cục Kiểm toán nhà nước Kuwait trình bày tại cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54 vào năm 2019 cho thấy, sứ mệnh của Nhóm là thúc đẩy vai trò của cộng đồng ASOSAI thông qua việc đóng góp vào các mục tiêu quốc gia và đánh giá việc thực hiện SDGs trong khu vực bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng và sử dụng các chỉ số SDGs một cách thích hợp của các kiểm toán viên.

Nhóm công tác ASOSAI về SDGs dự kiến sẽ hoạt động cho đến khi kết thúc Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc vào năm 2030 và có thể được gia hạn nếu cần thiết. Các mục tiêu chiến lược của nhóm gồm: đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI đối với lĩnh vực Kiểm toán môi trường về phát triển bền vững; thực hiện các SDGs và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.

Nhóm công tác ASOSAI sẽ tiến hành các hoạt động khác nhau về SDGs theo đúng kế hoạch hoạt động (các báo cáo kiểm toán, chương trình đào tạo, hội thảo, dự án nghiên cứu, trao đổi thư từ với các cơ quan quốc tế có liên quan).

Thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI

Tại Cuộc họp, các SAI cũng nghe SAI Hàn Quốc trình bày Báo cáo về Ủy ban đặc biệt nghiên cứu tính khả thi của của việc thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI. Theo SAI Hàn Quốc, trong bối cảnh đại dịch diễn ra hết sức phức tạp cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống, mỗi chúng ta phải trân trọng giá trị về sự an toàn của từng quốc gia. Vì vậy, phải đối mặt với việc quản lý khủng hoảng như thế nào nên cần phải có những phương pháp để chúng ta có một cái cơ chế minh bạch, rõ ràng để thúc đẩy việc chính phủ tham gia ứng phó với  những khủng hoảng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải

“Chúng tôi đã thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI. Nhóm này có sự tham gia của 42 SAI thành viên. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của kiểm toán khủng hoảng và cũng như xây dựng sự đồng thuận tính khả thi về lập một báo cáo nghiên cứu về quản lý khủng hoảng. Theo đó, Báo cáo đã xây dựng 04 chu trình quản lý khủng hoảng: (1) Tổng quan về quản lý khủng hoảng; Khái niệm về khủng hoảng, quản lý khủng hoảng; Tính chất của từng giai đoạn khủng hoảng; Các vấn đề chính liên quan đến quản lý khủng hoảng; (2) Quản lý, hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các SAI trong ASOSAI; đồng thời thành lập nhóm công tác riêng để hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến này. Các mô hình vai trò để ứng phó với từng giai đoạn quản lý khủng hoảng; (3)Bàn về quy chế hoạt động của Nhóm chuyên trách này, trong đó có các dự án về nâng cao năng lực cho các thành viên; (4) Hoạt động quản lý khủng hoảng của ASOSAI, đề ra chức năng, mục tiêu phạm vi hoạt động, đánh giá tăng cường năng lực cho các SAI thành viên.

Theo SAI Hàn Quốc, với việc Đại hội lần thứ 15 Tuyên bố Bangkok với chủ đề: SAI và việc chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới, thì đây là bản tuyên bố có tác động rất lớn và chúng ta sẽ phải cần có những chiến lược, kế hoạch ứng phó với những khủng hoảng tương lai dựa vào đề cương tuyên bố này một cách tích cực hơn.

Hỗ trợ 200.000 USD cho thành viên vị ảnh hưởng đại dịch Covid-19

Theo báo cáo của Tổng Thư ký ASOSAI-KTNN Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia thành viên ASOSAI, tháng 3/2021, ASOSAI đã thông qua việc sử dụng 200.000 USD để hỗ trợ các SAI thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thành lập Ủy ban quản lý các khoản tài trợ của ASOSAI gồm 05 nước, gồm: Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021- KTNN Việt Nam, Ban Thư ký (KTNN Trung Quốc), Chủ tịch ASOSAI kế nhiệm (KTNN Thái Lan), KTNN Hàn Quốc và KTNN Malaysia, trong đó Ban Thư ký giữ vai trò Chủ tịch. Ủy Ban có trách nhiệm quản lý quỹ sử dụng minh bạch và đúng đối tượng. “Trong bối cảnh đại dịch Covid 19, chúng tôi đã nhận được đề xuất hỗ trợ 279,000 USD từ các SAI thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chúng tôi đã tổ chức các phiên họp lần thứ 2 để phân bổ theo đề xuất Ủy ban và quyết định tài trợ 200,000 USD cho 14 đề nghị. Chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ phần nào cho các SAI thành viên gặp khó khăn do dịch Covid-19” – đại diện SAI Trung Quốc nói.

Đoàn Đại biểu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
Đoàn Đại biểu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

KTNN Ấn Độ- Chủ tịch  ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027

Phát biểu kết luận, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho biết, sau Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 54, Chủ tịch, Tổng thư ký và các thành viên Ban điều hành ASOSAI đã nỗ lực để triển khai thực thi các mục tiêu và khuyến nghị nêu trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như những chương trình, dự án và hoạt động đề ra trong 3 năm cuối của Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021.

Ban Điều hành đã thông qua việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm công tác về kiểm toán quản lý khủng hoảng. Tại Cuộc họp lần thứ 56, Ban Điều hành đã bầu Kiểm toán nhà nước Ấn Độ là Chủ tịch ASOSAI lần thứ 16, nhiệm kỳ 2024-2027. Các thành viên Ban điều hành cũng đã bầu KTNN Ấn Độ là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 cũng như đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 16 tại Ấn Độ. “Những kết quả đạt được của Cuộc họp Ban điều hành 56 càng chứng tỏ một tổ chức ASOSAI “chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới và sẵn sàng ứng phó” với xu thế biến động không ngừng của khu vực và thế giới” - Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Minh Hương