Sử dụng khoản tiết kiệm chi và nguồn còn lại của ngân sách trung ương 2020

Chuyển nguồn hay để giảm bội chi?

- Thứ Hai, 10/05/2021, 07:12 - Chia sẻ
Đây là vấn đề được đặt ra khi xem xét sử dụng 14,6 nghìn tỷ đồng dự toán chi cải cách tiền lương từ 1.7.2020 nhưng chưa thực hiện theo Nghị quyết số 128/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2020. Việc để khoản kinh phí này chuyển nguồn sang năm 2021 hay dùng để giảm bội chi ngân sách nhà nước sẽ được trình Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất.

64,76 nghìn tỷ đồng chưa được sử dụng

	Từ đầu năm 2021 nhiều chính sách mới liên quan đến tiền lương của người lao động được triển khai thực hiện 	Nguồn: Internet
Từ đầu năm 2021 nhiều chính sách mới liên quan đến tiền lương của người lao động được triển khai thực hiện
Nguồn: Internet

Tại Tờ trình về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020, Chính phủ nêu rõ, theo quy định Khoản 3 Điều 64 Luật ngân sách nhà nước, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán (31.1.2021) nếu chưa sử dụng hết bị hủy bỏ, trừ 6 nhóm chi được chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục sử dụng. Đối chiếu với quy định này, tính đến hết ngày 31.1.2021, không kể các khoản đã được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định, Chính phủ nhận thấy, dự toán kinh phí ngân sách trung ương năm 2020 vẫn còn 64,76 nghìn tỷ đồng chưa sử dụng.

Với khoản ngân sách chưa được sử dụng này, Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2020 để chi nhiệm vụ cần thiết, cấp bách là mua vaccine phòng Covid-19 (12,1 nghìn tỷ đồng) và bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương với tỉnh Quảng Ngãi (500 tỷ đồng). Đồng thời, sử dụng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2020 chưa sử dụng (21,2 nghìn tỷ đồng) và 15,1 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 chuyển sang để giảm bội chi ngân sách trung ương.

Chính phủ cũng đề nghị chuyển 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng sang năm 2021 để hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương đã ban hành cần phải chi trong năm 2021 và dành nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2022. Lý giải cho đề nghị này, Chính phủ khẳng định, đây là kinh phí bố trí dự toán để thực hiện cải cách tiền lương, nhưng không thực hiện nên về nguyên tắc phải hủy bỏ dự toán. Trong báo cáo dự toán ngân sách trung ương năm 2021, Chính phủ đã trình Quốc hội do cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, ngân sách trung ương không bố trí được nguồn hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách tiền lương. Do vậy, căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đưa ra đề nghị nêu trên.

Ngoài ra, do không có nguồn tăng thu của ngân sách trung ương đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương, không bảo đảm được nguyên tắc tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định, Chính phủ đề nghị không xét thưởng vượt thu năm 2020 đối với các tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu và không thực hiện đầu tư trở lại cho các địa phương có cơ chế tài chính đặc thù (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ).

Cân nhắc bảo đảm chi ngân sách hiệu quả

Đối với việc sử dụng 12,1 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương để mua vaccine phòng Covid-19, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, rất cần thiết và cấp bách, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác, Chính phủ đã tính toán các nguồn và khoản chi tương đối hợp lý và có cơ sở, nên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị nêu trên. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị, cần lưu ý hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong cân đối ngân sách phù hợp với tiến độ mua và sử dụng vaccine.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tán thành với việc sử dụng 500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 chuyển sang để hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương. Bởi, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có số hụt thu cân đối ngân sách địa phương lớn nhất, dù đã sử dụng hết các nguồn tài chính hợp pháp của địa phương nhưng vẫn không thể tự bảo đảm nguồn để xử lý bù một phần hụt thu năm 2020 do ảnh hưởng khách quan từ giá dầu thô và tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, với việc chuyển nguồn 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng sang năm 2021 trong cơ quan chủ trì thẩm tra có hai luồng ý kiến. Nhiều ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ, vì trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương hụt thu ngân sách, nên việc sử dụng nguồn kinh phí cho các mục đích nêu trên là hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020 quy định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020. Thực tế, dự toán nguồn để cải cách tiền lương 14,6 nghìn tỷ đồng là khoản dư chi vì không phát sinh nhiệm vụ. Trong điều kiện hụt thu ngân sách trung ương năm 2020 rất lớn (90,94 nghìn tỷ đồng), nếu cho chuyển nguồn khoản dư chi này thì ngân sách nhà nước sẽ phải vay để bù đắp bội chi sẽ tăng thêm 14,6 nghìn tỷ đồng. Do vậy, những ý kiến này nhất trí sử dụng số tiền này để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, giúp bảo đảm sử dụng nguồn vốn từ ngân sách.  

Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp vừa qua, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, dự toán nguồn để cải cách tiền lương 14,6 nghìn tỷ đồng không chỉ là khoản dư chi của năm 2020, mà cũng là của năm 2021, vì không phát sinh nhiệm vụ chi. Thực tế, việc dừng tăng lương cơ bản theo lộ trình cải cách tiền lương cũng không được thực hiện trong năm 2021. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, nếu sử dụng khoản ngân sách này như một nguồn lực để dành cho thực hiện chính sách tiền lương năm 2022 cũng không hợp lý. Bởi, theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, khoản dư chi nêu trên không sử dụng được trong năm 2021 cũng sẽ phải hủy dự toán.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối ngân sách dành cho chi thường xuyên. Nhưng do đề nghị của Chính phủ chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu hoàn thiện thêm tờ trình, sau đó sẽ báo cáo lại về vấn đề này. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ phải làm rõ từng mục đích chi cụ thể, tính pháp lý, cũng như khả năng giúp tiết kiệm chi ngân sách nhà nước như thế nào nếu sử dụng theo mục đích được nêu ra. Bởi, theo phân tích của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nếu để ngân sách nhà nước có một khoản tiền dư chi trong khi các khoản khác phải đi vay bù đắp bội chi thì sẽ là lãng phí.

Thanh Hải