Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Chuyển nhanh sang mục tiêu ổn định vĩ mô và tạo việc làm

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:51 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần xác định ưu tiên hàng đầu là chuyển nhanh từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang ổn định vĩ mô và tạo việc làm. Chúng ta không thể xem nhẹ, do dự, chậm trễ, bởi với hàng chục triệu lao động bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đang đặt ra bài toán an sinh xã hội rất lớn.

Chính sách đúng hướng nhưng chưa đủ

Trước những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu là điều không thể tránh khỏi và thực sự đang diễn ra mạnh mẽ. Đó cũng chính là thách thức vô cùng lớn đối với Việt Nam, với tư cách là một nền kinh tế có độ mở lớn, sau gần hai năm chống chọi với đại dịch, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư gần đây.

	Ưu tiên hàng đầu phải giữ ổn định vĩ mô và tạo việc làm. Nguồn ITN
Ưu tiên hàng đầu phải giữ ổn định vĩ mô và tạo việc làm.
Nguồn: ITN

Đại dịch khiến đại bộ phận doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngành nghề đều sụt giảm nguồn thu, lợi nhuận âm hoặc sụt giảm nghiêm trọng, thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu, thiếu nguồn lao động do chính sách giãn cách xã hội, nhưng có nơi lại thừa nguồn lao động do doanh thu giảm, doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động… Trong 8 tháng năm nay, cả nước có hơn 85.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tổng cầu trong các doanh nghiệp giảm trên 50%.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu chủ yếu là: Tập trung hỗ trợ người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm, giãn hoãn các loại thuế, phí, bảo hiểm; cung cấp khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng; giảm giá điện, nước, viễn thông… nhằm duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, giảm thiểu việc sa thải lao động, bảo đảm mức thu nhập ổn định cho người lao động trong thời gian giãn cách. Mục tiêu xa hơn là để chuẩn bị cho giai đoạn kích thích phục hồi.

Về lý thuyết, các chính sách bao gồm các biện pháp tương đối rõ ràng và đúng hướng. Việc xác định các đối tượng hỗ trợ nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng kinh doanh, người dân và các học giả, chuyên gia. Tuy nhiên, ngoài những chính sách vĩ mô, tài khóa như giãn, hoãn, miễn thuế, phí, bảo hiểm, các chính sách hỗ trợ tín dụng… Việt Nam rất cần phải tiếp tục hoàn thiện một số nhóm biện pháp cấp bách trong thời gian tới để ngăn chặn suy giảm và kích thích phục hồi kinh tế.

5 ưu tiên cần tập trung

Cụ thể, Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp cấp bách sau.

Thứ nhất, cần xác định ưu tiên hàng đầu là chuyển nhanh từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu ổn định vĩ mô và tạo việc làm. Giữ ổn định vĩ mô chính là giữ được nền tảng quan trọng tạo tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh, qua đó tạo đà tăng trưởng những năm tiếp theo.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, kể từ khi dịch bùng phát đầu năm ngoái đã tác động bất lợi đến khoảng 30 triệu lao động và gần 8 triệu người mất việc làm. Vì vậy, khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động cùng gia đình của họ là vấn đề lớn, chúng ta không thể xem nhẹ hay do dự, chậm trễ. Trong bối cảnh trước mắt, tạo việc làm để bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội có nhiều ý nghĩa hơn tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, rất cần một gói kích thích kinh tế để ngăn chặn suy giảm, nhưng phải thay đổi chiến thuật từ “một mũi tên trúng nhiều mục tiêu” sang “một mũi tên chỉ cần trúng một mục tiêu”, điều này sẽ an toàn hơn cho việc kiểm soát lạm phát.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh. Bởi lẽ, kinh doanh và kinh tế thị trường đòi hỏi sự chắc chắn của pháp luật. Sự chắc chắn ấy được hiểu là chỉ cần làm đúng quy định pháp luật khi thực hiện một dự án, đăng ký sản phẩm hay thực hiện một thủ tục hành chính là yên tâm chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều trường hợp không phải như vậy. Theo Heritage Foundation, năm 2020, Chỉ số hiệu quả tư pháp của Việt Nam được xếp ở nhóm cuối bảng. Rõ ràng, “nút thắt” về thể chế cần phải giải tỏa.

Thứ tư, cần tăng cường ưu tiên đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch, chế biến chế tạo và cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn. Trong nhiều nghiên cứu định lượng cho thấy đây là lĩnh vực có hiệu ứng liên kết rất cao, nếu tập trung đầu tư sẽ giải phóng được nhiều nhất sức sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa, qua đó tạo sự lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác. Tất nhiên, để bảo đảm hiệu quả, chính sách cần được thiết kế cẩn trọng với những tiêu chí cụ thể về tính công khai, minh bạch cùng với cơ chế giám sát, đánh giá.

Thứ năm, rất cần một chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến (online) dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương, giúp họ thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của khách hàng, bạn hàng để có thể tồn tại và phát triển. Đây cũng cần được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt, bởi phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh chính là công cụ thoát nghèo.

TS. Tô Hoài Nam Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam