Kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực khoa học công nghệ

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

- Thứ Bảy, 09/12/2017, 08:23 - Chia sẻ
“Ở đây công tác kiểm tra không phải cắt ngắn đi mà thay vì thực hiện trước khi thông quan thì nay chuyển sang sau thông quan. Vì vậy, doanh nghiệp giảm bớt chi phí, thời gian nhưng họ vẫn phải chứng minh cho cơ quan quản lý nhà nước là sản phẩm này đáp ứng quy chuẩn”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2

Tại tọa đàm “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm” ngày 8.12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, Bộ đã ban hành Thông tư 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Từ 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30 nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Đối với sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn (gọi tắt là các loại hàng hóa nhóm 2) đều phải kiểm tra chặt chẽ trước khi thông quan. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6.2018. Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với 12 bộ, ngành tổ chức rà soát danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 xem cái nào nên để, cái nào nên loại bỏ ra khỏi danh mục. Qua một thời gian kiểm tra chặt chẽ, thấy doanh nghiệp tuân thủ tốt, tỷ lệ sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn giảm hẳn xuống thì các cơ quan quản lý cân nhắc điều chỉnh để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc phân loại hàng hóa nhóm 2 này là cần thiết vì danh mục này đang quá rộng. “Thủ tướng Chính phủ vừa rồi cũng đã có chỉ đạo, Nghị quyết 19 cũng nêu rõ nhiệm vụ trung tâm của các bộ, ngành thời gian tới phải giảm danh mục hàng hóa nhóm 2, tức là chỉ tập trung vào nhóm hàng hóa có nguy cơ lớn, có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, môi trường, sức khỏe cộng đồng chứ không phải kiểm tra tràn lan như thời gian vừa rồi”, ông Tuấn cho biết.

Không buông lỏng quản lý

Trước ý kiến cho rằng, công tác hậu kiểm đối với hàng hóa, xuất nhập khẩu tuy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng có thể gây ra sự buông lỏng trong quản lý chất lượng hàng hóa, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: Việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ từ tiền kiểm sang hậu kiểm là phù hợp. Tiền kiểm tức là doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm hàng hóa phải phù hợp với tất cả các quy định của pháp luật trước khi lưu thông. Còn đối với hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một phần trước, sau đó được thông quan ngay. Thực hiện theo biện pháp quản lý mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp chứng minh trước cho cơ quan quản lý mới được thông quan, bây giờ rất nhiều hàng hóa có thể có cam kết phù hợp các quy chuẩn quốc gia là có thể thông quan ngay… Đây không phải là sự dễ dãi hay buông lỏng trong quá trình kiểm tra mà là tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp nhất cho doanh nghiệp thực thi các quy định của pháp luật. Đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng. Nhà nước sẽ thực hiện việc hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn tán thành quan điểm này. Ông cho biết, theo Thông tư 07/2017TT-BKHCN, đối với doanh nghiệp được kiểm tra 3 lần liên tiếp mà tuân thủ đúng quy định pháp luật thì được miễn kiểm tra trong 1 năm. Thấy được thuận lợi về mặt hành chính và chi phí, doanh nghiệp sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật tốt hơn. Tuy nhiên, phải kiểm tra theo hướng rủi ro, tức là những ngành hàng nào có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, hoặc doanh nghiệp có tiền sử vi phạm pháp luật thì cơ quan quản lý cần đưa vào “tầm ngắm”, bị áp dụng hình thức kiểm tra chặt chẽ hơn.

Chuyển tất cả việc kiểm tra chất lượng hàng hóa kể cả mặt kỹ thuật, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ trước thông quan sang sau thông quan theo ông Linh sẽ khiến cho các công chức kiểm tra chuyên ngành vất vả hơn và gặp nhiều khó khăn hơn với tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, với mục đích đồng hành với doanh nghiệp, dù khó vẫn phải triển khai.

Tuệ Anh