Có bảo đảm hiệu quả đầu tư?

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 07:09 - Chia sẻ
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư cảng hàng không theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước ở cả 2 giai đoạn là hơn 310 tỷ đồng. Việc giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án riêng, sử dụng ngân sách của tỉnh. Sân bay được xây dựng tại các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Hải, huyện Gio Linh với tổng diện tích 265ha. Giai đoạn một sẽ xây dựng các công trình cơ bản của cảng đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Giai đoạn 2 sẽ tiến hành đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không, mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 bảo đảm khai thác đến 5 triệu hành khách. Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khoảng 25.500 tấn/năm. Từ năm 2021 - 2024, dự án chuẩn bị và đầu tư xây dựng. Cảng hàng không thực hiện theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư được thu phí để hoàn vốn trong 47 năm 4 tháng...

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn của khu vực Trung Bộ và tỉnh Quảng Trị.

Cần nhấn mạnh rằng cách đây chưa lâu, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng. Điểm thuận lợi khi triển khai dự án khi đó đại diện tỉnh cho rằng đó là quỹ đất. Khu vực dự kiến làm sân bay hiện vẫn đang để trống và gần như không phải giải tỏa, di dời. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, việc còn lại là lên kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư. Về sự cần thiết phải xây dựng sân bay là phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước; tận dụng được nguồn khách trên hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Lào qua đông bắc Thái Lan...

Những lý lẽ, lập luận này là hợp lý, đặc biệt, dự án được thực hiện theo hình thức PPP, nhưng vẫn phải trả lời câu hỏi Quảng Trị  nằm giữa sân bay Đồng Hới của Quảng Bình và sân bay Phú Bài của Thừa Thiên Huế thì hiệu quả đầu tư sẽ như thế nào bởi điều dễ nhận thấy là khi đề xuất mở cảng hàng không, hầu hết các địa phương đều đưa ra lập luận do nhu cầu khách đi, đến tăng nhanh. Là tỉnh muốn triển khai các dự án phát triển kinh tế, du lịch thì đường hàng không thuận tiện là một trong những tiêu chí để thu hút đầu tư... Thế nhưng nhìn vào số lượng các sân bay đang hoạt động hiệu quả thì những lập luận này chưa đủ sức thuyết phục.

Ở góc nhìn khác, dù Quảng Trị không nằm trong số các tỉnh có đề xuất quy hoạch sân bay thời gian qua, tuy nhiên với quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải là vị trí và nhu cầu vận chuyển hành khách tại 11 địa phương này không lớn để cần thiết phải xây dựng sân bay - sẽ là "cơ sở" đáng để Quảng Trị "tham khảo". Bởi phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng không nhất thiết cứ phải có cảng hàng không... Và nếu không tính toán kỹ càng sẽ rất dễ đi vào "vết xe đổ" như đã từng xảy ra như khi xây dựng cảng biển, nhà máy đường ở nhiều địa phương trước đây.

Khương Ninh