Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS:

Có cần duy trì Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV?

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 14:35 - Chia sẻ
Sáng 23.10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Kế thừa chọn lọc quy định hiện hành 

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể là, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Do đó, để đạt được mục tiêu này thông qua việc đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm thì cần điều chỉnh, tăng cường một số chính sách cần thiết và tăng hiệu lực, tính khả thi của các quy định trong Luật.

Đồng thời, khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật, cụ thể hóa một số chính sách phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm quyền của người nhiễm HIV; khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật còn nhằm thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng đến cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; bảo đảm tính dự báo, thích ứng với các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được rà soát, cập nhật, bổ sung số liệu tại các báo cáo thành phần của hồ sơ theo ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban nhưng cần tiếp tục nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các điều, khoản cụ thể cho phù hợp do dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật

Về việc bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV tại Điều 44 của Luật hiện hành, Chính phủ cho biết không ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do việc điều trị HIV/AIDS đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hoặc ngân sách nhà nước đảm bảo cho một số đối tượng quy định tại Điều 39 sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ đề xuất ghép nội dung của Quỹ này trong một Quỹ chung về lĩnh vực y tế khi xây dựng luật  về phòng bệnh trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nguồn viện trợ quốc tế liên tục giảm thì việc huy động nguồn nội lực là rất quan trọng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Quỹ không hiệu quả hay do chưa vận động, phát triển đúng đắn?

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS và cơ bản đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS gồm 3 Điều; trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 14 điều, Điều 2 bãi bỏ Điều 42 và Điều 44 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006. Dự thảo Luật giữ nguyên phạm vi điều chỉnh theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 nhưng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Về Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, nhiều ĐBQH tán thành đề xuất của Chính phủ. Theo ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng), thời gian qua, Quỹ này đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tổ chức các nghiệp vụ rõ ràng như tuyên truyền, tiếp nhận và thực hiện các khoản đóng góp, tài trợ cho các đối tượng cụ thể, minh bạch theo sự ủy quyền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ĐB Triệu Thanh Dung cũng nêu thực tế, hoạt động của Quỹ còn gặp một số khó khăn bởi Quỹ được Bộ Y tế xác định là đơn vị sự nghiệp nhưng không nêu rõ loại hình, không có chỉ tiêu viên chức mà cán bộ đều kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian tham gia. Mặt khác Quỹ không có khả năng thu hút nguồn lực, năng lực làm việc chuyên trách và phạm vi, mức độ tài trợ hạn hẹp trong cộng đồng và xã hội. Trong 12 năm từ 2008 đến nay, Quỹ chỉ huy động hơn 5,7 tỷ đồng, trung bình 480 triệu đồng một năm, thậm chí những năm gần đây có xu hướng giảm, như năm 2019 chỉ huy động được 11 triệu đồng. Kinh phí huy động thấp, các hoạt động chi cũng hạn chế nên số tiền chưa chi hiện còn đến 2,3 tỷ đồng. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, việc duy trì một Quỹ ngoài ngân sách để phục vụ hỗ trợ người nhiễm HIV như quy định của Luật hiện hành là không cần thiết. 

Có cùng quan điểm này, ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) chỉ rõ, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nhiễm HIV và bảo đảm người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc hỗ trợ thanh toán, xét nghiệm, điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. Các địa phương cũng hỗ trợ chi phí thuốc cho người HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm thông qua Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo. Hơn nữa, qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng các quỹ tài chính ngân sách trong và ngoài nước giai đoạn 2013 - 2018 thì Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV là không đáng kể.

Nhìn nhận từ góc độ khác, ĐBQH Trương Phi Hùng (Long An) phân tích, đây là Quỹ có thể thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phòng chống HIV/AIDS trong khi ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính đang gặp khó khăn. Không thể vì vấn đề quỹ đóng góp không đủ lớn mà từ bỏ, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế của Quỹ vừa qua, theo ĐB Trương Phi Hùng, là do không vận động, phát triển Quỹ một cách đúng đắn trong khi vẫn có những cá nhân, tổ chức sẵn lòng đóng góp hỗ trợ, chăm sóc người  nhiễm HIV để giúp đỡ riêng đối tượng này vì lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Hồ Long