Cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh nhờ Đề án 1956

- Thứ Ba, 28/12/2021, 23:01 - Chia sẻ
Hơn 10 năm thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề; gần 1,2 triệu lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề; trên 400 nghìn người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, trên 61 nghìn tự tạo việc làm… Kết quả này đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của các địa phương. Và chắc chắn, nếu lao động khu vực này được quan tâm, đầu tư hơn mạnh mẽ, toàn diện hơn, sẽ có nhiều bứt phá hơn…

 Gần 135 nghìn người thoát nghèo

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 11 năm (2009-2020) thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề. Bình quân hàng năm có gần 1 triệu lao động nông thôn được học nghề. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3% so với giai đoạn 2020-2015. Có gần 1,2 triệu lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề. Trên 400.000 người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, trên 61.000 người sau đào tạo đã thành lập các tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác tại địa phương. Đặc biệt, có 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo; 261.361 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.

Cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh mẽ nhờ Đề án 1956
Nguồn: ITN

Với những kết quả trên, Đề án đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 15 nghìn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tích cực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế như: Hiệu quả đào tạo nghề còn chưa bền vững, đặc biệt là ở những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Việc đào tạo mới tập trung chủ yếu vào đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, việc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng mới thực hiện thí điểm…

Chú trọng chất lượng đào tạo

Trước thực trạng trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ phê Dự thảo Chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030. Trong đó, ngoài việc nâng quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo, đề án cũng có nhiều điểm mới liên quan tới kinh phí thực hiện.

Dự thảo đặt mục tiêu đào tạo nghề theo từng giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm có khoảng từ 1 - 1,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%. Giai đoạn 2026-2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%.

Để thực hiện mục tiêu này, Dự thảo đưa ra nhiều điểm đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo án, đào tạo, tạo việc làm; đồng thời, thực hiện việc thí điểm đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn. Dự thảo đề án cũng nhấn mạnh mục tiêu của việc đổi mới là nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại đáp ứng nhu cầu học nghề đa dạng và ngày một nâng cao của lao động nông thôn; đồng thời gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân tiên tiến, hiện đại.

Dự thảo cũng đề cập đến vấn đề tiếp tục hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp theo các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định. Dự thảo nêu rõ, kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương hàng năm và bố trí từ các hoạt động đào tạo nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra, có thể huy động thêm kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác cho các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các địa phương tự cân đối được ngân sách phải đảm bảo kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung của chương trình. Ngân sách trung ương đảm bảo 70 – 80% kinh phí để thực hiện nội dung của chương trình cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Các địa phương bố trí tối thiểu 20% kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình.

Đối với các hoạt động quản lý chương trình, ngân sách trung ương đảm bảo trong dự toán chi hàng năm cho cơ quan chủ trì chương trình để thực hiện. Đồng thời, kinh phí có thể được huy động thêm nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện chương trình (các doanh nghiệp được trừ để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật đối với các khoản chi phí, hỗ trợ của doanh nghiệp cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn).

Bình Nhi