Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

Cơ chế đặc thù phải gắn với đề cao tính tự lực, tự cường

- Thứ Năm, 16/09/2021, 11:12 - Chia sẻ
Sáng 16.9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 58), trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa các quan điểm như: phù hợp với Nghị quyết số 58; quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND; các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính tương đồng với các chính sách của một số thành phố lớn khác trong cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Nghị quyết số 58 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc. Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, đa số ý thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền.  

Ngoài các quan điểm đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách  cũng đề nghị, cần quán triệt thêm một số nguyên tắc, quan điểm như: phải bảo đảm phù hợp với thực lực, khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; phù hợp với thực tiễn, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm hài hòa với các địa phương khác có cùng đặc điểm và địa phương được hưởng cơ chế đặc thù.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, cơ chế đặc thù phải gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, chủ động, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, làm tiền đề để giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển; quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ cơ chế đặc thù.

Lượng hóa chính sách để xác định nguồn lực 

Dự thảo Nghị quyết có 8 Điều quy định các cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng rừng. 

Trong đó, Khoản 2, Điều 3 quy định: ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách Trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn. 

Ảnh: Lâm Hiển

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn, lượng hóa tác động của chính sách để thấy rõ nguồn lực cụ thể được bổ sung có mục tiêu cho Khu kinh tế Nghi Sơn, cũng như số giảm thu của ngân sách Trung ương từ chính sách này. 

Một số ý kiến cho rằng, đây là cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất áp dụng duy nhất đối với tỉnh Thanh Hóa, hiện nay các địa phương thuộc diện áp dụng cơ chế đặc thù, trong đó có địa phương có cảng biển cũng chưa được áp dụng chính sách này. Do đó, đề nghị cân nhắc vì: việc đề xuất ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao có thể dẫn đến việc lập dự toán thấp, không sát với thực tế để được hưởng số tăng thu. Mặt khác, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay, số thu ngân sách Trung ương khó có thể đạt dự toán Quốc hội giao. Trong trường hợp ngân sách Trung ương hụt thu về tổng thể thì sẽ khó khăn trong việc cân đối cho địa phương như Dự thảo Nghị quyết. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, tránh việc lập dự toán thấp hoặc khó khăn trong cân đối ngân sách Trung ương bổ sung cho địa phương, các ý kiến này đề nghị chỉ bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn trong trường hợp ngân sách Trung ương tăng thu và bảo đảm khả năng cân đối. Có ý kiến đề nghị chỉ bổ sung có mục tiêu cho Thanh Hóa khi tỉnh Thanh Hóa hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. 

Có ý kiến cho rằng, có thể áp dụng cơ chế để lại nhưng tỷ lệ 70% như Dự thảo Nghị quyết là mức cao. Vì vậy, để bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu hỗ trợ cho ngân sách địa phương nhưng không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngân sách Trung ương cần quy định một tỷ lệ thấp hơn hoặc số bổ sung không lớn hơn số tăng thu so với thực hiện năm trước, tương tự như quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Hồ Long