ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh)

Có cơ chế thu hút các nhà sản xuất phim đến Việt Nam

- Thứ Năm, 28/10/2021, 17:11 - Chia sẻ
Chiều 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). ĐBQH Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị chính sách ưu đãi về sản xuất phim trong nước cũng như chính sách về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam phải tạo được đột phá.
ĐBQH Trần Thị Vân phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ đặc biệt quan tâm vào 4 chính sách phát triển điện ảnh do Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đề xuất và được Chính phủ thông qua trong Tờ trình. Đây là những chính sách sẽ tạo hành lang pháp lý để điện ảnh phát triển như mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với chính sách ưu đãi về sản xuất phim được đề xuất trong dự thảo tại Điều 5 và Điều 42. “Đâu là căn cứ để khẳng định được tính khả thi và sự phù hợp của các chính sách đã được Bộ đề xuất.” – đại biểu Trần Thị Vân đặt vấn đề.

Tại Khoản 3 Điều 5: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh có nêu: “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh”. Theo Điều 5 thì ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai cho hoạt động sản xuất phim của các nhà làm phim trong nước sẽ được áp dụng trực tiếp mà không có hướng dẫn chi tiết.  Đại biểu nhận định, một quy định chung chung như vậy đang có trong Luật Điện ảnh hiện hành trong suốt 15 năm qua, kể từ khi Luật được ban hành, quy định này hoàn toàn không có giá trị khuyến khích hoạt động làm phim ở Việt Nam. Theo đại biểu, nếu tiếp tục giữ cách tiếp cận đó trong Luật điện ảnh sửa đổi lần này thì chắc chắn các nhà làm phim Việt Nam sẽ tiếp tục không được hưởng ưu đãi được nêu trong dự thảo Luật. Như vậy bài toán sửa Luật không đạt mục đích. Mục tiêu đột phá nhưng chính sách không đột phá thì không thể hoàn thành mục tiêu.

Về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (điều 42), đại biểu cho biết, đối với các nhà làm phim nước ngoài, mặc dù được dự thảo ưu ái hơn, có khoản 2 giao cho Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định lại không có hướng dẫn điều này, như vậy quy định này vẫn chưa thể tạo bất cứ “hành lang pháp lý mang tính đột phá” nào.

Một quy định mang tính đột phá cần thể hiện rõ mức độ ưu đãi ra sao? Cụ thể và hấp dẫn thế nào? Thủ tục ưu đãi có minh bạch thuận lợi và nhanh chóng không? Nếu Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi được thông qua với chính sách khuyến khích ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn nhất để mời chào các nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam.

Đại biểu Vân đề nghị, để đưa ra chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp, cơ quan soạn thảo cần có các số liệu về các lợi ích mà chính sách này sẽ mang lại cho Việt Nam (điều này chưa được thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động). Các số liệu thống kê này rất quan trọng, vì căn cứ vào đó Quốc hội và các đại biểu có thể so sánh, lựa chọn giữa chi phí và lợi ích do chính sách mang lại trước khi quyết định.

Ví dụ, nếu muốn ưu đãi 30% thuế thì chúng ra phải biết: Số việc làm được tạo ra từ hoạt động làm phim; Chi phí mà đoàn làm phim nước ngoài có thể chi tiêu ở Việt Nam trong quá trình làm phim; Số khách du lịch kỳ vọng sẽ đến Việt Nam khi có các bộ phim quảng bá cho các địa điểm du lịch ở Việt Nam; Số nhân lực điện ảnh được tuyển dụng/đào tạo bởi các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim; Hơn nữa các đoàn làm phim quốc tế khi họ quyết định có nên đến Việt Nam làm phim hay không thì câu hỏi đầu tiên sẽ là: Việt Nam có địa điểm quay đẹp, phù hợp không? Việt Nam có chính sách gì tốt/ưu đãi cho chúng tôi? Thủ tục để đoàn làm phim đến Việt Nam có thuận lợi không? Chi phí cho việc làm phim ở Việt Nam có đắt không? Rất nhiều nhà làm phim trên thế giới đồng ý với nhau về vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, sự thông minh, khéo léo, cởi mở, thân thiện của con người Việt Nam và họ mong muốn được đến làm phim ở Việt nam.

Theo đại biểu, lý do khiến các đoàn làm phim quốc tế ít chọn đến Việt Nam là vì chúng ta chưa thực sự có các chính sách ưu đãi và thủ tục thuận lợi. Các chính sách cũng không được quy định một cách rõ ràng, minh bạch để các bên có thể tham khảo trong quá trình đưa ra quyết định. Đại biểu Vân cho rằng,  Việt Nam rất nên tham khảo chính sách ưu đãi làm phim của Thái Lan, một nước láng giềng có điều kiện khí hậu, địa lý và văn hoá gần với Việt Nam. Cùng với đó đại biểu kiến nghị:

Thứ nhất, cần bổ sung quan điểm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vào mục tiêu và sự cần thiết sửa đổi Luật để đảm bảo sự thống nhất, thông suốt quan điểm trong quá trình xây dựng luật.

Thứ hai, cơ quan soạn thảo cần tiến hành thu thập thông tin và phân tích kỹ các số liệu để có thể đưa ra các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi sản xuất phim ngay trong Luật, cả về nội dung và thủ tục áp dụng ưu đãi.

Thứ ba, có chính sách tạo thủ tục thuận lợi cho hoạt động điện ảnh. Hạn chế các thủ tục rườm rà, không rõ ràng hiện là nguyên nhân gây cản trở lớn cho hoạt động điện ảnh.

Đại biểu mong muốn, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tính toán theo hướng: Làm sao để Việt Nam có thể trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim hơn là làm sao để quản lý và kiểm soát họ?

Theo VGP