Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022:

Có chế tài xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện kiến nghị giám sát

- Thứ Năm, 04/11/2021, 11:26 - Chia sẻ
Trong thời gian qua, hoạt động giám sát đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin vững chắc của cử tri, người dân vào hệ thống chính trị cũng như tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh kiến nghị cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ thực hiện các kiến nghị giám sát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Tăng tính chủ động, tích cực của cơ quan thực hiện giám sát

Theo ông Lê Hồng Vinh, các nội dung giám sát tại địa phương khá phong phú và toàn diện, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời là căn cứ thực tiễn đánh giá sự phù hợp của các chính sách pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Hình thức giám sát, biện pháp tổ chức hoạt động giám sát được thực hiện theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua hoạt động giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của các cơ quan chịu sự giám sát, những chồng chéo giữa các Luật, từ đó kiến nghị bổ sung, sửa đổi những quy định, những cơ chế, chính sách phù hợp.

Đối với tỉnh Nghệ An, trong năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021, Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã tổ chức các cuộc giám sát với các nội dung: thực hiện chính sách pháp luật về khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2020; thực hiện các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện chính sách pháp luật về thú y…

Sau khi nhận được kế hoạch, nội dung và đề cương yêu cầu báo cáo, trả lời về vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện bám sát theo yêu cầu bảo đảm khách quan, cung cấp số liệu chính xác tại thời điểm giám sát, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật trên các lĩnh vực; đồng thời cùng với các Đoàn giám sát đi thực tế đến các cơ sở để nắm rõ hơn việc áp dụng các quy định trong thực tiễn, từ đó hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân, của những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các cơ chế, chính sách. Đồng thời, Lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của nhân dân cũng như những thông tin được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội để nắm bắt kịp thời những tồn tại, những bất cập trong quá trình triển khai nhiệm vụ để đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đây cũng là những tư liệu cần thiết để chuẩn bị nội dung cho báo cáo giám sát.

Đối với các vấn đề được nêu trong Kết luận giám sát, UBND tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc tiếp thu và kịp thời chỉ đạo xây dựng các kế hoạch triển khai đồng bộ với những giải pháp phù hợp với thực tiễn để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan… Đồng thời, định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện cho Đoàn giám sát được biết để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị và tái giám sát nếu cần thiết.

Qua hoạt động giám sát, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng nhận thấy các Đoàn giám sát đã đánh giá chính xác, khách quan, kịp thời việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Nghệ An 

Đẩy mạnh “hậu giám sát”

Trong thời gian tới, để việc tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát và bảo đảm chất lượng, tính trung thực trong việc xây dựng báo cáo, cung cấp số liệu liên quan đến chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các địa phương, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, làm rõ phạm vi, đối tượng giám sát tối cao, tăng cường tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của các hình thức giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ hoàn thành các kiến nghị giám sát. Đẩy mạnh công tác “hậu giám sát” với 2 nội dung là xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Hai là, thông báo sớm cho các địa phương kế hoạch giám sát để tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị triển khai phục vụ các Đoàn giám sát, bảo đảm hiệu quả, sát thực tế, đạt được mục đích đã xác định.

Căn cứ tình hình thực tế đổi mới hiện nay, tất cả các địa phương đều phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả Đoàn ĐBQH và Hội đồng Nhân dân tỉnh đều phải tổ chức việc giám sát và Ủy ban Nhân dân là đối tượng chịu sự giám sát của cả 2 chủ thể nói trên. Để có thể dành thời gian cho các đồng chí lãnh đạo địa phương chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương, đề nghị Đoàn ĐBQH và HĐND nên tổ chức làm việc chung với Ủy ban Nhân dân, không nên tách thành các buổi làm việc riêng.

T. Thành