Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số

Có chính sách cụ thể cho từng nhóm đối tượng

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:16 - Chia sẻ
Tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số, một số thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách theo nhóm đối tượng, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số; tiếp tục cập nhật số liệu, tình hình thực tế, kiến nghị giải pháp liên quan đến từng bộ, ngành, địa phương về vấn đề này.

Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chậm

Những năm qua, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Công tác tuyển dụng sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi đã được một số địa phương quan tâm. Đa số các sinh viên này sau khi tốt nghiệp đại học đều tình nguyện trở về địa phương công tác lâu dài, được tiếp nhận, bố trí công việc đúng hoặc gần với chuyên môn đào tạo. Một số đơn vị, địa phương còn chủ động hợp đồng với các em ngay sau khi ra trường vào làm việc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ảnh: Hoàng Ngọc

Các sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi phần lớn đều phát huy được năng lực, trình độ và kiến thức đã được học tập ở nhà trường, nhiều người đã được quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt ở đơn vị, sở, ngành của địa phương.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai các chính sách này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số vẫn chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của vùng và đặc điểm tâm lý, văn hóa của người dân tộc thiểu số. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những điểm đặc thù về địa hình, khí hậu, tương tự, người dân tộc thiểu số có những điểm rất đặc thù trong tập quán, thói quen sinh hoạt cũng như sản xuất, trong khi đó, chính sách chưa thực sự chú ý đến yếu tố này. Đơn cử, chính sách ưu tiên trong tuyển dụng chưa chú ý tới thành phần dân tộc dẫn đến bị mất cơ cấu về số lượng giữa các dân tộc. Điều này khiến chất lượng nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi chuyển biến chậm, hiệu quả chưa đạt như mục tiêu mong đợi.

Đáng lưu ý, Nghị quyết số 52/NQ - CP ngày 15.6.2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 được triển khai chậm ở các địa phương. Ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, phần lớn HĐND các tỉnh phải căn cứ vào nội dung Nghị quyết của Chính phủ để xây dựng nghị quyết của địa phương, song chỉ có một số ít địa phương ban hành quyết định hoặc nghị quyết có quy định cụ thể các tiêu chí đối tượng, định mức, nội dung hỗ trợ, nguồn kinh phí.

Xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc

Cơ bản thống nhất với những nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết thêm, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm được triển khai thi hành rất chậm ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực tế tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho biết, chính sách hỗ trợ đào tạo cho cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách cho người dân tộc thiểu số học sau đại học đều chưa rõ nét. Dù trong quy hoạch địa phương có nêu, nhưng rất chung chung.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đặt vấn đề, phải chăng chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ học sinh khá giỏi còn dàn trải, chưa phù hợp, chưa tạo được môi trường tốt để phát huy năng lực, sở trường (?). Tới đây, ở mọi cấp, Trung ương và địa phương đều cần làm rõ thêm định hướng chỉ đạo đối với chính sách thu hút nhân tài là người dân tộc thiểu số như thế nào, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong triển khai thực hiện.

Thay vì chỉ xác định chung chung là người dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, cần chia chính sách ra thành các nhóm đối tượng cụ thể. Chính sách có liên quan đến đội ngũ trí thức dân tộc như chính sách sử dụng đội ngũ đã đạt trình độ tiến sỹ, thạc sỹ hay chuyên môn cao khác: Kỹ sư, chuyên khoa về y tế, để tiến tới xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc, đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn nhóm chính sách khác là phát triển nguồn nhân lực, liên quan đến đối tượng sinh viên đại học khá, giỏi gửi đi học tiến sỹ, thạc sỹ, đào tạo nghề như thế nào. Đây là những vấn đề gắn kết với nhau, cần nghiên cứu kỹ để ban hành chính sách theo hướng một nghị định, áp dụng thực hiện ổn định và lâu dài.

Tiếp thu các ý kiến của Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, tới đây sẽ phải có những biện pháp tích cực hơn trong việc xây dựng hệ thống chính sách phù hợp với thực tiễn vùng, miền và dân tộc để có nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng. Tập trung, chú trọng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và giải quyết việc làm cho các sinh viên dân tộc chưa có trình độ sau đại học để bảo đảm cơ cấu số lượng cán bộ giữa các dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, ngành giáo dục đã luôn cố gắng phát hiện, tuyển chọn những học sinh dân tộc thiểu số có năng khiếu để có chính sách ưu tiên đào tạo, tạo nguồn cán bộ cốt cán, trước hết là cho các vùng đồng bào dân tộc, sau đó là góp phần đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, đã đến lúc phải cơ cấu ngành nghề trong đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, bên cạnh những nhóm ngành “truyền thống” như y tế, giáo dục, nông lâm nghiệp, cần tăng cường nhóm ngành về kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật. “Lưu ý việc đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc. Các thầy cô trưởng thành từ thôn bản, được đào tạo bài bản, sau đó quay về công tác tại địa phương sẽ rất hiệu quả, tạo sự ổn định và lâu dài hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Đồng tình với giải pháp của Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số. Tiếp tục cập nhật số liệu, tình hình thực tế, kiến nghị giải pháp liên quan đến từng bộ, ngành, địa phương về vấn đề này.

Anh Thảo