Hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan

Có dàn trải và lãng phí?

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:26 - Chia sẻ
Còn những băn khoăn, do dự về tiêu chí lựa chọn cũng như các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện tuân thủ pháp luật là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp cho ý kiến xung quanh Dự thảo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan.

Doanh nghiệp nào được chọn?

Theo Dự thảo, việc tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh, như: Sẽ được cơ quan cảnh báo những rủi ro để phòng tránh những sai sót, nhất là những sai sót không đáng có… Đặc biệt, cơ quan hải quan hướng dẫn tuân thủ pháp luật hải quan, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp từ đó nâng mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; Giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, không hiếm đại diện doanh nghiệp băn khoăn về các tiêu chí được lựa chọn đưa vào Chương trình.

		Tỷ lệ hàng hóa được miễn kiểm tra còn thấp Nguồn: ITN
Tỷ lệ hàng hóa được miễn kiểm tra còn thấp
Nguồn: ITN

Cụ thể, Mục 2.1, Điều 2, Phần I Dự thảo quy định một số tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình. Theo đó, quy định này chỉ lựa chọn một số doanh nghiệp nhất định, gồm: các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; hoặc doanh nghiệp có loại hình xuất nhập khẩu nhất định. Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Duy thắc mắc: Không rõ các tiêu chí này được lựa chọn dựa theo mục tiêu hoặc cách thức nào? Hơn nữa, ngoài điều kiện “có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn” còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện, ví dụ năm 2021 là 200 doanh nghiệp lớn, vậy nếu số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình nhiều hơn thì cơ quan quản lý sẽ “lọc” ra bằng cách nào?

Góp ý vào đề xuất này, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: cần phân loại doanh nghiệp theo nhóm: các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng (theo lĩnh vực kinh doanh) có khả năng vi phạm pháp luật hải quan cao; hoặc trung bình. Các doanh nghiệp ưu tiên thường là các doanh nghiệp vốn có năng lực chấp hành pháp luật tốt, đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm nên có thể tự thực hiện việc cải thiện, nói cách khác, nhóm này có nhu cầu được hỗ trợ thấp hơn so với nhóm rủi ro trung bình và cao. Nếu làm được điều này thì sẽ “dễ” cho cơ quan quản lý rất nhiều, lại tiện cho doanh nghiệp, bởi đúng với nhu cầu cần hỗ trợ cải thiện mức độ rủi ro của họ.

Việc công khai các mức độ tuân thủ giúp doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động nắm bắt được mức độ tuân thủ cũng như lý do tuân thủ/không tuân thủ; từ đó “tự bắt bệnh” chính mình, tìm cách khắc phục những thiếu sót, hạn chế để cải thiện mức độ tuân thủ của mình.

Cần quy định rõ... việc 

Theo quy định tại Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15. 11.2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, người khai hải quan được phân loại thành 5 mức; mỗi người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độ tuân thủ duy nhất. Việc phân loại như trên nhằm phân loại đánh giá tuân thủ được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả đối với nhóm người khai hải quan này.

Hiện, cả nước có khoảng 150.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ hàng hóa được phân vào luồng xanh (miễn kiểm tra) của hải quan Việt Nam còn thấp so với chuẩn quốc tế. Tỷ lệ luồng vàng và luồng đỏ (kiểm tra hạn chế và kiểm tra triệt để) còn nhiều. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa qua luồng xanh chỉ mới khoảng 57%, luồng vàng 38% và luồng đỏ là 5%. Do đó, việc được tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan là một thuận lợi đối với doanh nghiệp.

Vậy nhưng, theo phản ánh của doanh nghiệp, một số quyền lợi của Dự thảo quy định khá chung chung như tiếp cận các văn bản pháp luật hay giải đáp thắc mắc. Đây thực chất vẫn là các quyền lợi của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định. Nhìn vào các quy định của Dự thảo thì thấy: Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ nhận được các hỗ trợ ở mức cao hơn so với các doanh nghiệp thông thường để có thể nâng cao khả năng cải thiện mức độ tuân thủ. Tuy nhiên, lại thiếu các hoạt động hỗ trợ cụ thể. Đại diện VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi các nội dung này theo hướng quy định rõ ràng các quyền lợi mà doanh nghiệp được hưởng, chẳng hạn được cung cấp ngay khi văn bản được ban hành, được cung cấp gửi lấy ý kiến thông qua địa chỉ liên lạc đã được cung cấp hay được giải đáp thắc mắc thông qua các kênh đa dạng hơn…

Một khía cạnh khác cũng cần được cân nhắc trong khi thực hiện Chương trình này đó là hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó cũng có các nội dung hoạt động (tư vấn, giải đáp pháp luật…) - tức là cũng trùng với các hoạt động của Chương trình này. Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn, và liệu có dàn trải và lãng phí không, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

Phạm Hải