Có giải pháp căn cơ trong phòng, chống tội phạm

- Thứ Hai, 25/10/2021, 06:39 - Chia sẻ
Tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021, nhiều ĐBQH ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan tư pháp cũng như Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần quan tâm đến công tác dự báo tình hình tội phạm, có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ hơn, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý.

ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng): Quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình tội phạm  

Với ảnh hưởng vô cùng to lớn của dịch bệnh Covid-19, nhất là tình trạng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi xâm phạm tài sản, xâm phạm sở hữu sẽ có khả năng tăng cao và phát sinh nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới. Mặc dù, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề này, như bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ giải quyết những khó khăn về đời sống của Nhân dân do tác động của đại dịch Covid-19, song tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình tội phạm, có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể và xác hợp hơn nữa để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng, mức độ nghiêm trọng. Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng. Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo tôi, bên cạnh tính chất phức tạp, tinh vi của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này thì việc xử lý chưa kiên quyết, chưa nghiêm và chưa kịp thời của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, theo phản ánh của cử tri thời gian qua có rất nhiều ứng dụng trên mạng internet hoạt động dưới hình thức cờ bạc trá hình. Tình trạng lợi dụng mạng xã hội để có những phát ngôn không đúng, dùng ngôn từ phản cảm, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí còn xúc phạm cả tôn giáo...

Những hành vi này lôi kéo hàng triệu người tham gia, đặc biệt là các thế hệ trẻ gây bất ổn về an ninh, trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội; diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời xử lý dứt điểm. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa về việc quy định các chế tài và các biện pháp để các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.

ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận): Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động mất việc làm

Liên quan đến đại dịch Covid-19, một số tội phạm, vi phạm pháp luật mới xuất hiện, như việc lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, tung tin giả gây hoang mang trong dư luận. Các tội phạm về kinh tế, tham nhũng, như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thời gian dài để dồn sức cho việc phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả. Tất cả các tội phạm nêu trên đều là lực cản cho việc phòng, chống Covid-19.

Trong năm 2021, khi các lực lượng tập trung vào công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn quyết liệt, quyết tâm, có biện pháp hữu hiệu, kiên quyết tấn công, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả các nhóm tội phạm.

Về tội phạm tổ chức liên quan đến tín dụng đen, tác động bởi đại dịch, nhiều tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống, đây cũng chính là cơ hội tốt để tội phạm cho vay nặng lãi hoạt động riêng rẽ ở từng tổ chức và phát triển mở rộng địa bàn.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp, một số lượng người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê, theo số liệu tính đến nay có khoảng 1,3 triệu người lao động về quê tránh dịch. Số lượng người lao động về quê tránh dịch rất lớn đồng nghĩa với việc mất việc, trong số đó có 70% đã mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III lên cao nhất trong 10 năm qua. Tôi đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, có chính sách căn cơ hơn nữa trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động đang thất nghiệp, nhất là liên kết tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt

Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Quy định trên của pháp luật cũng có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm. Hay nói cách khác, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu. Đây chính là “kẽ hở” của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng “thời gian vàng” giúp tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.

Thực tế, thời gian qua, rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng nghìn tỉ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi, bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình. Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều “đại án” khó thu hồi tài sản phạm pháp. Mặc dù theo quy định pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, để làm rõ nguồn gốc tài sản bất minh là chuyện không dễ.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại". Quy định này là cần thiết, vì không những để bảo đảm cho công tác thi hành án mà còn bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo không bị xâm phạm. Song, ở chiều ngược lại, lại làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng. Càng khó hơn khi vận dụng cụm từ "chỉ kê biên phần tài sản tương ứng", được hiểu là giá trị của tài sản bị kê biên phải bảo đảm ngang bằng với mức hình phạt bị can, bị cáo có thể bị áp dụng khi kết án.

Từ những vướng mắc trong thực tiễn như đã phân tích trên, để khắc phục, trước hết cần xem xét, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ đến khi khởi tố bị can, đến khi phiên tòa diễn ra mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử. Không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.

Song song với việc hoàn thiện quy định trên của pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội hàm cụm từ "chỉ kê biên bán tài sản tương ứng", quy định tại Khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng dễ vận dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tố tụng tăng cường áp dụng kịp thời biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn điều tra. Tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp này, nên chăng điều chỉnh cơ quan có thẩm quyền được ước tính giá trị tài sản, được kê biên tương ứng với mức bị cáo có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại trong khung sai số cho phép tối đa.

Anh Phương lược ghi