Thực hiện chính sách Xã hội hóa tại các bệnh viện công lập Hà Nội

Có hiệu quả, nhưng chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô

- Chủ Nhật, 27/04/2014, 09:00 - Chia sẻ
Nghị quyết 06/2009 của HĐND TP đến năm 2015 sẽ đạt 1.700 tỷ đồng xã hội hóa Y tế, thì con số đạt gần 236,61 tỷ đồng (10%) trong xã hội hóa tính đến nay là quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội - Chủ tịch HĐND TP, Trưởng Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách xã hội hóa tại các bệnh viện công lập Ngô Thị Doãn Thanh cho biết.

Hiệu quả từ chủ trương đúng

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, triển khai thực hiện NQ 06/2009 của HĐND và Đề án số 100 của UBND TP về việc đẩy mạnh XHH Y tế giai đoạn 2009-2016, đã có 71 đề án XHH Y tế được triển khai tại các bệnh viện công lập, tính đến tháng 4.2014, còn 48 đề án với tổng nguồn vốn thu hút XHH là 236,61 tỷ đồng. Các đề án sau 5 năm triển khai và đi vào hoạt động đều được đánh giá có hiệu quả, mang lại lợi ích cho 3 bên (Bệnh viện- nhà đầu tư và bệnh nhân). Đơn cử, tại các BV Ung Bướu, Đa khoa Hoè Nhai, Viện Tim Hà Nội, Xanh Pôn, Thanh Nhàn… nhờ thực hiện XHH, các BV này đã từng bước phát triển các loại hình dịch vụ, chất lượng cao, các kỹ thuật trình độ cao trong phẫu thuật về thần kinh sọ não, các loại chấn thương chỉnh hình, mở rộng phát triển phẫu thuật nội soi, cấp cứu và điều trị tích cực, nâng cấp các khu hồi sức cấp cứu hiện đại; các bệnh chuyển hóa và nội tiết; áp dụng chẩn đoán bằng máy xạ hình và điều trị bằng máy gia tốc tuyến tính; thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim cho trẻ nhẹ cân; áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từâ, máy chụp mạch số xóa nền… thực hiện chẩn đoán sớm và xác định chính xác bệnh cũng như hỗ trợ điều trị bằng kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, XHH đã tạo sự thay đổi cơ bản về nhận thức của xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm, mở rộng sự tham gia của nhân dân, nguồn lực xã hội bước đầu được huy động, phát huy tiềm năng từ phía người dân cho phát triển y tế; đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; đưa kỹ thuật cao đến người bệnh; nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ. Mặt khác, bước đầu thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của ngành y tế và cơ chế phân bổ ngân sách y tế, chuyển dần từ bao cấp trực tiếp cho đơn bị KCB sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được Nhà nước bảo đảm thông qua chính sách BHYT toàn dân. Và, cái được lớn nhất của các BV công lập khi thực hiện XHH là đã đào tạo được nguồn cán bộ y bác sĩ giỏi, có tay nghề cao, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu BV. Với những kết quả ưu việt mà XHH mang lại trong thời gian qua có thể khẳng định, XHH là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng - Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt nhấn mạnh.

Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô

Mặc dù các BV đều khẳng định các Đề án XHH được thực hiện trong thời gian qua có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, tuy nhiên tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội mới đây, các thành viên Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP đã đưa ra con số khá bất ngờ để phản biện, minh chứng cho sự chậm trễ và kết quả đạt được trong công tác XHH 5 năm qua chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Thủ đô. Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam - thành viên đoàn giám sát cho biết: theo mục tiêu Nghị quyết 06/2009 của HĐND TP đến năm 2015, Hà Nội phấn đấu đạt 1.700 tỷ đồng XHH y tế, nhưng thực tế đến nay chỉ mới thực hiện được 236,61 tỷ đồng (chiếm 10%). Và chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc kế hoạch thực hiện XHH y tế giai đoạn 2009-2015, với tốc độ thực hiện “rùa bò” như hiện này, liệu có đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra?

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch HĐND TP - Trưởng Đoàn giám sát số 2 Lê Văn Hoạt cho biết: thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế. Cụ thể, Nghị định số 43/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; NĐ số 69/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục; Thông tư số 15/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập… Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, các mặt hàng XHH được các nhà đầu tư tham gia chủ yếu là đầu tư vào trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, máy gia tốc tuyến tính, chụp cộng hưởng từ… còn lại các mặt hàng khác thì các nhà đầu tư do dự bởi khả năng thu hồi vốn của các mặt hàng đó gần như “vô hình”. Đã vậy, các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế cũng “kêu như cháy đồi” về việc số tiền bỏ ra lớn, phải chịu lãi suất ngân hàng từng năm, chậm thu hồi vốn, trong khi đó họ chưa tiếp cận được các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước… Về việc này, ông Hoạt cho rằng: phải chăng là do công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách XHH của chúng ta còn chưa tới; các sở, ngành chức năng cũng chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ trong việc chỉ đạo nên dẫn đến tình trạng cùng một cơ chế, nhưng có nơi làm rất tốt, có nơi lại e dè và làm không được.

Nhận trách nhiệm và hứa có hướng giải quyết

Giải trình câu hỏi của các thành viên Đoàn giám sát về việc để xảy ra tình trạng chậm triển khai XHH tại các BV ở Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hiền cho biết: thực tế việc triển khai các đề án XHH tại các bệnh viện công lập đều rất hiệu quả, song xét trên bình diện chung thì vẫn còn chậm. Nguyên nhân là do thời gian qua các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đúng giữa tính chất góp vốn (nhà cửa, đất, thương hiệu bệnh viện… đối với hình thức thứ nhất của Thông tư 15/2007) với cách thức sử dụng mặt bằng tại đơn vị trong liên doanh liên kết nên công tác định giá, xác định giá trị tài sản nhà nước để tính giá trị đối ứng vào đề án XHH chưa được chặt chẽ. Mặt khác, theo quy định của TP về sử dụng tài sản của nhà nước để góp vốn liên doanh liên kết phải được Chủ tịch UBND TP phê duyệt nên trình tự thủ tục mất nhiều thời gian. Một nguyên nhân khác là do trên địa bàn TP có nhiều BV trung ương có triển khai kỹ thuật dịch vụ cao, do vậy sự cạnh tranh về việc lựa chọn dịch vụ kỹ thuật cho phù hợp với các đơn vị y tế mà mang lại lợi nhuận là khó khăn dẫn đến sự hấp dẫn thu hút XHH Y tế tại cơ sở y tế công lập Hà Nội, nhất là BV hạng III bị hạn chế. Các đơn vị trong ngành cũng gặp khó khăn thực hiện các chỉ tiêu thu hút XHH do trong điều kiện hiện nay khó khăn, các nhà đầu tư chủ động chỉ lựa chọn khai thác những lĩnh vực để thu lợi nhuận… Tuy nhiên, ông Hiền cũng thừa nhận: bước đi XHH Y tế của Hà Nội hiện nay chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là lỗi ở cơ quan quản lý trong việc đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cũng như sự can thiệp của Sở Y tế trong việc đàm phán giữa nhà đầu tư với BV cũng chưa được sát sao. Về việc này, Sở xin nhận trách nhiệm và hứa trong thời gian tới sẽ tích cực đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh XHH tại các BV. Cụ thể, hướng tới lập các Đề án; thực hiện vay vốn ngân hàng dưới hình thức được TP hỗ trợ lãi suất để thực hiện XHH; đồng thời cùng phối hợp với các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài Chính rà soát các chính sách, có hướng dẫn để các nhà đầu tư tiếp cận được các chính sách…

Chủ tịch HĐND TP, Trưởng Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách XHH tại các BV công lập Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định: cái được lớn nhất mà XHH Y tế là huy động được nguồn lực xã hội; nâng cao chất lượng KCB; lợi ích các bên được hài hòa, người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên; đào tạo được nguồn lực y bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, hiệu quả bước đầu mà XHH Y tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô - nơi hội tụ nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành, y bác sĩ có tay nghề, và nhu cầu sử dụng dịch vụ kỹ thuật của người dân rất cao. Do vậy, một trong những yêu cầu cấp bách đối với ngành y tế nói chung, các BV trên địa bàn Hà Nội nói riêng là cần phải tích cực hơn nữa trong việc đẩy mạnh tuyên truyền để có nhận thức đúng về chủ trương XHH; mạnh dạn xây dựng và sớm triển khai mở rộng các đề án nhằm đáp ứng nhu cầu người dân.

Mai Hương