Nam Định

Cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại

- Thứ Tư, 06/10/2021, 07:03 - Chia sẻ
Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh. Việc hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận và ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, chinh phục thị trường và củng cố thương hiệu.

Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ

Những năm gần đây, Nam Định đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa; giúp các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh chinh phục thị trường, khách hàng, gia tăng lợi nhuận, củng cố thương hiệu.

	Dây chuyền sản xuất của May Nam Hà áp dụng cải tiến năng suất tổng thể
Dây chuyền sản xuất của May Nam Hà áp dụng cải tiến năng suất tổng thể

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may; cơ khí; sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng… tham gia dự án, để được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025), công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Lean Six Sigma)… và hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Căn cứ theo quy mô và điều kiện hoạt động của từng doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp.

Theo UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 150 lượt doanh nghiệp tham gia và được hỗ trợ hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến năng suất chất lượng. Đơn cử, Công ty CP May Nam Hà - doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng. Được hỗ trợ áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen, năng suất tổng thể của Công ty đã tăng lên 23% so với trước đó. Hiện Công ty đã triển khai thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may giúp sản xuất thực tế tăng từ 70% lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động chung lên 30%.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Nam Dược, Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty CP Lâm sản Nam Định, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc… cũng đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao được năng suất tổng thể của doanh nghiệp từ 20 - 30% so với trước.

Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, việc thực hiện Dự án năng suất, chất lượng đã thúc đẩy được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi toàn tỉnh, qua đó đã huy động được nguồn lực xã hội, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp tỉnh trên thị trường toàn quốc cũng như xuất khẩu. Xét về hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình công cụ cải tiến năng suất chất lượng thích hợp, giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian, nguyên liệu, năng lượng...

Bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với vấn đề này. Khi Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát tại 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu nâng cao năng suất chất lượng thì đa số doanh nghiệp phản hồi đều có mong muốn được đào tạo nâng cao nhận thức, áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến vào hoạt động của mình. Song, khi triển khai các dự án, Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, nhiều doanh nghiệp lại không tham gia.

Một số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia các dự án về năng suất chất lượng, gặp gỡ và được sự tư vấn của cơ quan quản lý, các chuyên gia năng suất chất lượng nhưng sau đó hủy với nhiều lý do như cán bộ, công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu; sợ thay đổi, làm xáo trộn hoạt động; chưa sẵn sàng đầu tư kinh phí đối ứng cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để cải tiến doanh nghiệp; không bố trí được nhân lực cũng như thời gian để triển khai; phải thực hiện nhiều thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu khi tham gia dự án…

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu, đánh giá thực trạng, hoạt động cải tiến năng suất của doanh nghiệp, từ đó nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về năng suất chất lượng thông qua hoạt động đào tạo, phổ biến, tuyên truyền… giúp doanh nghiệp cũng như cán bộ của các cơ quan quản lý nhận thức đầy đủ, đúng đắn, hình thành được phong trào năng suất, chất lượng trên địa bàn toàn tỉnh với mọi loại hình doanh nghiệp.

Phan Phương