Khởi nghiệp sáng tạo thời Covid-19

Cơ hội đến từ nhiều phía

- Thứ Hai, 20/09/2021, 09:12 - Chia sẻ
Trong 8 tháng năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hạ nhiệt. Ngược lại, thị trường khởi nghiệp Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Thích ứng để tồn tại

Giống như mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế, startup cũng gánh chịu những tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Giữa những thách thức mà dịch bệnh mang lại, các start-up buộc phải đứng giữa lựa chọn nhanh chóng nắm bắt cơ hội để bùng nổ hay đi theo con đường đảm bảo phát triển bền vững.

Nhà sáng lập kiêm CEO của Got It Trần Việt Hùng cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạo ra thay đổi lớn về hành vi người dùng, có những ngành phát triển rất tốt, có những ngành không phát triển. Ví dụ như khi mà mọi người tất cả đều ở nhà, làm việc ở nhà và không đi du lịch thì các ngành nghề dịch vụ liên quan sẽ bị ảnh hưởng nặng. Còn các ngành nghề mà cung cấp các dịch vụ để giúp cho mọi người có thể làm việc hiệu quả hơn khi làm việc tại nhà sẽ phát triển mạnh hơn. Các sản phẩm có ứng dụng công nghệ hoặc chuyển đổi số hay không cuối cùng đều nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng. Sự thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, nghiên cứu sâu về hành vi của người tiêu dùng rất quan trọng đối với startup.

Cũng theo ông Hùng, tại Việt Nam, nhiều startup còn chưa hiểu rõ về người tiêu dùng, thì Covid-19 chính là cơ hội để startup Việt Nam theo kịp các startup trên thế giới. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp đều ở tình huống giống như nhau dù lớn hay nhỏ. Vì vậy, các kế hoạch kinh doanh cần phải thay đổi hoàn toàn để thích ứng với đại dịch, tìm ra phương án mới để đẩy nhanh tăng trưởng, thậm chí là "xoá bài chơi lại".

Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel Lê Bá Tân, chia sẻ Covid-19 đã sắp xếp lại trật tự các doanh nghiệp trên thị trường, có những doanh nghiệp đang phát triển tốt thì lại chậm lại, có những doanh nghiệp đã tìm ra hướng phát triển mới cho mình. Sau đại dịch thói quen khách hàng thay đổi rất nhiều, do đó doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng theo. Nếu doanh nghiệp nào thích ứng nhanh thì sẽ chuyển mình nhanh hơn và có cơ hội tiếp cận thị trường mới. Ngược lại, các doanh nghiệp không theo kịp sẽ có khả năng phá sản.

Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital Ventures Trần Quang Hưng cho biết, khi tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 giảm gần một nửa thì cơ hội mới chỉ dành cho những startup nhanh nhạy, thích ứng với thị trường. Trong nửa đầu năm 2021, phân khúc game được cho là khá đột phá với nhiều thương vụ gọi vốn thành công. Tháng 5 vừa qua, nhà phát hành trò chơi blockchain Việt Nam Sky Mavis, công ty sở hữu trò chơi NFT Axie Infinity cũng đã huy động được 7,5 triệu USD.

Theo ông Trần Quang Hưng, những ngành nào liên quan đến chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới trong việc định nghĩa lại ngành nghề trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 đều hoạt động khá tốt. Do đó, nếu các startup đẩy mạnh sáng tạo, thích nghi với tình hình mới và ứng dụng công nghệ mới sẽ có thể tiếp cận được các nguồn vốn để phát triển.

Kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có khoảng 59.800 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên vẫn có những tín hiệu rất lạc quan, nhiều startup tại Việt Nam đã công bố gọi vốn thành công số tiền hàng triệu USD trong năm 2021 như MoMo, VNPay, Elsa, Lozi,... 

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho biết, dịch Covid-19 xét về phương diện nào đó lại là cơ hội tốt để các bạn trẻ cạnh tranh trong phạm vi quốc tế. Nhiều startup Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, nằm trong top đầu khu vực, các quỹ đầu tư quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến các startup Việt Nam. Startup là doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp ngay trong bối cảnh đại dịch.

Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã và đang góp phần giúp hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

MOMO công bố về việc hoàn thành vòng gọi vốn Series D từ GOODWATER, WARBURG PINCUS và nhiều nhà đầu tư hàng đầu khác trên thế giới
Ảnh: ITN

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025" được xây dựng và chủ trì triển khai thực hiện bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, có phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của đề án đến năm 2025 là hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp ĐMST trong đó có 600 dự án phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" là Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì với các hoạt động hỗ trợ chính là xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường; bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp; thành lập bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên cơ sở các bộ phận, phòng, ban đã có của nhà trường; thiết lập kênh thông tin cung cấp các tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nguồn học liệu của nhà trường cho HSSV.

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ trì với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp …

Ngoài ra, theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp công bố tháng 6.2021, năm 2021 mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của Covid-19, nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

“Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các Startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi”, báo cáo cũng nhận định.

Vào tháng 7.2021, công ty đầu tư mạo hiểm (VC) Golden Gate Ventures công bố báo cáo nhận định, đến cuối thập kỷ này sẽ có thêm nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á xuất hiện. Báo cáo đánh giá, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ nổi lên trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba ở Đông Nam Á vào năm 2022, với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.

Xuân Tùng