Indonesia phê duyệt vaccine thứ tư của Trung Quốc

Cơ hội mở cửa trở lại

- Thứ Năm, 14/10/2021, 07:21 - Chia sẻ
Indonesia đã chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 Zifivax jab do công ty dược phẩm Trung Quốc An Huy Zhifei Longcom sản xuất. Quyết định phê duyệt loại vaccine thứ tư này của Trung Quốc được Chính quyền nước này nhanh chóng đưa ra để tiếp thêm động lực cho việc triển khai vaccine trên phạm vi toàn quốc cũng như để đẩy nhanh tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế.
	Vaccine Zifivax Covid-19 của Công ty Dược phẩm sinh học An Huy Zhifei Longcom được trưng bày trong Tuần lễ Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, ngày 26.5.2021 - CFP
Vaccine Zifivax Covid-19 của Công ty Dược phẩm sinh học An Huy Zhifei Longcom được trưng bày trong Tuần lễ Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, ngày 26.5.2021 - CFP

Thêm động lực để phủ sóng tiêm chủng

Trong một cuộc họp báo trực tuyến cuối tuần trước, người đứng đầu Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) Penny Lukito thông báo: “Chúng tôi đã phê duyệt sản phẩm vaccine Covid-19 với tên thương mại là Zifivax, được phát triển trên nền tảng tiểu đơn vị tái tổ hợp protein”. Ông Lukito nói rằng, loại vaccine này vừa mới vượt qua giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng, trong đó có một chương trình thử nghiệm ở Indonesia với khoảng 4.000 người. Trên cơ sở thử nghiệm này, và những thử nghiệm khác ở Uzbekistan, Pakistan, Ecuador và Trung Quốc (với số lượng người tham gia thử nghiệm là 28.000 người), công ty Trung Quốc tuyên bố rằng Zifivax có tỷ lệ hiệu quả là 81,4% sau khi sử dụng vaccine 14 ngày. Vaccine này cũng cho tỷ lệ hiệu quả đạt 77,47% đối với biến thể Delta, thấp hơn so với các biến thể khác.

Indonesia là một trong những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Nước này ghi nhận hơn 4,2 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 142.494 trường hợp tử vong tính đến ngày 8.10. Tuy nhiên, những tháng gần đây, số ca nhiễm hàng ngày đã giảm đáng kể. Trong ngày 4.10, số ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống dưới 1.000 lần đầu tiên kể từ tháng 6.2020, giảm từ hơn 50.000 mỗi ngày vào thời điểm đỉnh điểm của đợt bùng phát vào tháng 7 năm nay, khi Indonesia vượt qua Ấn Độ trở thành tâm chấn của dịch bệnh ở châu Á.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát cao điểm, Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đã buộc phải áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế ở khu vực thủ đô Jakarta và các khu vực đông dân cư khác của Java và Bali. Tuy nhiên, thời gian gần đây, song song với cách tiếp cận cũ, Indonesia đã từng bước xem xét tới các giải khác để ngăn chặn Covid-19 trong đó ưu tiên hàng đầu là phủ sóng vaccine trên toàn quốc. Nước này đã cải thiện nguồn cung cấp vaccine nhờ nguồn hàng Trung Quốc và từ các quốc gia khác, đồng thời cải thiện năng lực xét nghiệm và truy vết đối tượng nhiễm vốn còn nhiều yếu kém trước kia.

Việc phê duyệt Zifivax, loại vaccine thứ 4 do Trung Quốc sản xuất sẽ được phép sử dụng ở Indonesia sau các loại vaccine Sinovac, Sinopharm và CanSino. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho chương trình triển khai vaccine của nước này, vốn có một khởi đầu chậm chạp vào tháng 1 do những thách thức về hậu cần và khó khăn trong việc mua sắm đủ nguồn cung cấp vaccine.

Trong khi Indonesia chỉ mới tiêm chủng đầy đủ cho 1/5 dân số, đứng thứ ba trong số 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dân số khổng lồ của nước này đang làm giảm tốc độ của chiến dịch phân phối.

Tuy nhiên, ngày 7.10 vừa qua, Indonesia vừa cán mốc tiêm 150 triệu liều vaccine, vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới về tổng số liều vaccine đã được tiêm. Khi công bố mốc quan trọng này, Bộ trưởng Y tế Budi Sadikin cho biết nước này có thể hoàn thành mục tiêu đạt mốc từ 350 triệu đến 400 triệu mũi tiêm vào tháng 1.2022. Là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á với 270 triệu người, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 208,3 triệu người, tức là toàn bộ dân số trên 12 tuổi. Tính riêng trong tháng 9, tốc độ tiêm chủng của Indonesia đã lên tới 2 triệu liều/ngày.

“Có được thành quả này là nhờ nỗ lực chung của tất cả các bên, đặc biệt là lực lượng cảnh sát, quân đội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đặc biệt là chính sách mua sắm đủ vaccine với nguồn cung từ Trung Quốc của Chính phủ”, Bộ trưởng Y tế Budi Sadikin cho biết hôm 6.10.

Nới lỏng các biện pháp hạn chế

Những tiến bộ vượt bậc trong chương trình tiêm chủng của Indonesiea đã cho phép quốc gia này từng bước nới lỏng các biện pháp đóng cửa và hạn chế trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng như thúc đẩy quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế từng bước một.

Kể từ ngày 23.8, cư dân của thủ đô Jakarta, nơi gần một nửa dân số 10 triệu của thành phố được cho là đã mắc Covid-19 cuối cùng đã có thể được ra ngoài khi thành phố chấp nhận mở cửa trở lại các trung tâm thương mại, quán ăn, và những địa điểm tôn giáo, thờ tự.

Trong khi đó, đảo Bali sẽ bắt đầu khởi động lại các chuyến bay quốc tế cho du khách nước ngoài từ một số quốc gia bắt đầu từ ngày 14.10, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến vào đầu tuần trước. Du khách quốc tế từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Abu Dhabi và Dubai sẽ được phép đến Indonesia với điều kiện là họ phải chấp nhận cách ly trong 8 ngày và trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm virus.

Tuy nhiên, các chuyên gia của nước này cũng cảnh báo, Chính phủ không nên mất cảnh giác bởi Indonesia vẫn chưa ra khỏi “rừng rậm”. Như nhà báo Matthew Loh đã lưu ý trong một bài báo cho tạp chí Insider vào cuối tháng trước, Indonesia vẫn đang gặp khó khăn bởi chính những vấn đề cơ bản có thể khiến họ trở nên dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng: “Nguồn báo cáo dữ liệu thiếu đầy đủ, khoảng cách trong tiếp cận y tế và tiếp cận với vaccine…”.

Cả ba vấn đề này đang trở nên cấp bách một cách rõ rệt ở các hòn đảo kém phát triển của Indonesia, nơi cơ sở hạ tầng y tế đặc biệt yếu kém và phải đối mặt với nhiều thách thức về hậu cần trong quá trình phân phối vaccine.

Những lỗ hổng đó cho thấy, bất chấp những thành công đáng khen ngợi gần đây của Chính phủ trong nỗ lực tiêm chủng và mở cửa trở lại, thách thức Covid-19 của họ, giống như của toàn khu vực, mới chỉ đang bước đến phần cuối của giai đoạn đầu.

Đạt Quốc