Cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn hơn bao giờ hết

- Thứ Tư, 13/10/2021, 14:33 - Chia sẻ
Trong cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021 ngày 12.10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm thu nhập. Cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hơn 1,3 triệu người thất nghiệp trong 9 tháng

Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số - Lao động Phạm Hoài Nam cho biết, Covid-19 đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý III năm 2021.

Trong thời gian này, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải giãn nghỉ việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%.

Tổng cục Thống kê cho biết, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong quý này vượt xa con số 2% như thường thấy. Số người tham gia lực lượng lao động quý III bị sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Cơ hội tìm kiếm được việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, ông Nam nói.

Toàn cảnh cuộc họp báo
Toàn cảnh cuộc họp báo

Theo đó, 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,4 triệu người, giảm 250 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 388,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 187,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,99%, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 7,90%, tăng 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,79%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

17,8% doanh nghiệp cho biết thiếu lao động

Phó Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, theo khảo sát 22 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện có 17,8% doanh nghiệp cho biết thiếu hụt lao động, vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao với 30,6%. Về các ngành, điện tử, máy vi tính thiếu hụt lao động 55,6%, sản xuất trang phục 49,2%, ngành dệt 39,5%...

Người lao động không dễ tìm việc làm.
Người lao động không dễ tìm việc làm

Về số lượng lao động về quê, bà Mai cho biết, báo cáo nhanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, 1,3 triệu người lao động trở về quê. Trong số người lao động từ 15 tuổi trở lên, có 34% là người đang làm việc, 38% thất nghiệp, số còn lại là người không có nhu cầu làm việc.

Do chủ yếu đảm nhận công việc phi chính thức nên khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam mở cửa, người lao động đã có tâm lý muốn về quê. Mặt khác, họ cũng không biết tình hình bao giờ dịch bệnh chấm dứt, trong khi tiềm lực tài chính của họ cạn kiệt không thể lo chi phí sinh hoạt của cả gia đình.  

Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương trong quý 4 và những tháng đầu năm 2022, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhận định, gần như không thể xảy ra vì doanh nghiệp không thể mở cửa ồ ạt, nhưng nếu diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, phục hồi kinh tế.

Tuệ Anh