"Cơ hội vàng” mở cửa với kinh tế toàn cầu

- Thứ Năm, 30/09/2021, 06:43 - Chia sẻ
Tham dự phiên họp thẩm tra đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban Kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát trên phạm vi cả nước, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm chính là “cơ hội vàng” để thực hiện chính sách mở cửa nhằm bắt kịp với kinh tế toàn cầu, tránh nguy cơ bị lỡ nhịp, đánh mất các cơ hội.

Vẫn còn đối tượng khó khăn chưa được hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân, nhất là đợt dịch lần thứ 4 đã và đang tác động lớn đến các địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Riêng quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, dẫn đến xuất hiện tình trạng lao động thiếu, mất việc làm. Ước tính cả năm, cả nước có khoảng 49,3 triệu lao động đang làm việc, giảm 1,4% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động thành thị dưới 4%.

Đối với các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất và cùng với chi phí phòng, chống dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp gián đoạn sản xuất, doanh thu giảm mạnh. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm chỉ đạt khoảng 110.000 doanh nghiệp, giảm 18,5% so với năm 2020; số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 36,5%.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cùng với sự vào cuộc chủ động, kịp thời và đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, như cho phép coi khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Điều chỉnh giảm thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục ban hành, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, nhóm yếu thế. Đến ngày 20.9 vừa qua, đã hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm khoảng trên 5,11 nghìn tỷ đồng cho 378,7 nghìn đơn vị sử dụng lao động, 11,55 triệu người lao động; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt gần 8,32 nghìn tỷ đồng cho trên 5,48 triệu người dân gặp khó khăn; hỗ trợ cho vay 392 tỷ đồng đối với các đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho 112.397 lượt người lao động…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng, cùng với việc huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch thì việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là rất cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, ông Trần Văn Lâm nêu rõ, chính sách ban hành khá nhiều, đáp ứng yêu cầu thực tiễn song cũng có phần chưa hướng đúng trọng tâm hỗ trợ; vẫn còn những đối tượng khó khăn chưa được hỗ trợ, trong khi không ít đối tượng chưa thực sự khó khăn thì vẫn được hỗ trợ. Người thực sự mất việc làm, lao động tự do thì không có căn cứ, các địa phương không dám chi nên người bị ảnh hưởng không được thụ hưởng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, để chuẩn bị cho hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế để vừa bảo đảm nhanh chóng đưa hoạt động kinh tế cả nước trở lại trạng thái bình thường vừa tận dụng cơ hội để phát triển nhanh, bền vững.

Những tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định sẽ chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; tùy vào diễn biến dịch bệnh ở mỗi địa phương, tại các doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp theo phương châm “chủ động thích ứng an toàn, lâu dài với diễn biến dịch bệnh”.

Có quy định, kế hoạch, lộ trình để sống chung với đại dịch

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất hiện nay chính là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục suy giảm thì các nền kinh tế khác trên thế giới đang bắt đầu quá trình phục hồi mạnh mẽ. Điều này khiến nước ta có nguy cơ lỡ nhịp so với nền kinh tế toàn cầu và đánh mất đi các cơ hội. Do đó, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát trên phạm vi cả nước, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm chính là “cơ hội vàng” để thực hiện chính sách mở cửa nhằm bắt kịp với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Để thực hiện mở cửa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ trở thành một phần trong cuộc sống, theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), thành viên Ủy ban Kinh tế, cần xác định tâm thế “sống chung an toàn với dịch” và cùng với đó là hệ thống công cụ để bảo đảm thực hiện nhất quán. Muốn làm được điều này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, phải có quy định, kế hoạch, lộ trình để sống chung với đại dịch. Cụ thể, có những kịch bản khác nhau tương ứng với những diễn biến của dịch bệnh thì doanh nghiệp, người dân và chính quyền sẽ phải làm gì? Và điều quan trọng, đó là cần áp dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, các địa phương không "đẻ" ra những quy định khác như thời gian vừa qua. Được như vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân mới yên tâm kinh doanh, sản xuất và chủ động có những phương án để ứng phó với dịch bệnh.

Nói cách khác, bất cứ giải pháp phòng, chống dịch bệnh nào đưa ra đều phải tính đến hệ quả về kinh tế - xã hội cũng như mỗi giải pháp mở cửa về kinh tế đều phải tính đến vấn đề bảo đảm phòng, chống dịch. Tất cả mọi quyết định đều phải tính toán, cân nhắc hài hòa trên các góc độ về kinh tế, xã hội và kiểm soát dịch bệnh, chứ không phải là chỉ nặng về kiểm soát dịch bệnh như thời gian qua, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trung Thành