Cơ hội "xuất ngoại" cho nông sản Việt

- Thứ Tư, 09/06/2021, 06:21 - Chia sẻ
Vừa qua, Công ty cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây không chỉ là tin vui đối với nông dân Hải Dương, với doanh nghiệp mà còn mở ra cơ hội rất lớn đối với nông sản Việt “xuất ngoại” để chinh phục những thị trường khó tính.

EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định EVFTA đang tiếp sức giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Tuy vậy, để có “vé thông hành” vào được EU, vốn được coi là thị trường khó tính, không phải là điều đơn giản. Hành trình để quả vải thiều Việt Nam đến được tay người tiêu dùng châu Âu trải qua một quy trình nghiêm ngặt. Pacific Foods mất khoảng 3 năm tìm hiểu và đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu quả vải sang EU. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. Để quả vải lên đường “xuất ngoại”, Pacific Foods đã phải liên kết với nhiều đối tác trong đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản quả vải, bảo đảm từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia sở hữu nhiều sản phẩm trái cây có giá trị như bưởi, dừa, thanh long… Có không ít mặt hàng nông sản đã hiện diện ở nhiều quốc gia và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Nhiều sản phẩm không chỉ xuất hiện ở thị trường truyền thống như Trung Quốc, mà còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, EU… Điều đó cho thấy, trái cây Việt Nam đang dần dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường xuất khẩu vốn đang có sự cạnh tranh khốc liệt này.

Những ngày qua, người nông dân cảm thấy vui hơn khi nhiều sản phẩm nông sản của mình đã lên sàn thương mại điện tử. Với việc đưa nông sản lên sàn giao dịch đã giúp các đơn vị sản xuất cũng như doanh nghiệp địa phương trong quảng bá, mở rộng thị trường và tạo sự thuận tiện hơn với người mua. Đây là kênh thông tin giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp và là giải pháp để sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Đồng thời cũng là cơ hội để trái cây Việt Nam đến với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, để nông sản “xuất ngoại” đòi hỏi một chiến lược dài hơi và bài bản. Đó là sự chung tay của người sản xuất, các doanh nghiệp, và cơ quan quản lý nhà nước. Người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, từ nông sản đơn thuần về số lượng, phải hướng tới sản phẩm sạch, chất lượng. Muốn vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu bảo đảm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất hàng nông sản.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của từng thị trường và khả năng của doanh nghiệp; cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt để nâng tầm thương hiệu, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng. Tập trung đổi mới, đầu tư công nghệ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại.

Ngoài ra, có một yếu tố rất quan trọng, đó là muốn tăng xuất khẩu phải có chiến dịch marketing. Ngoài việc nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có vai trò của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cùng đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam đến nhiều hơn với bạn bè quốc tế.

Hà An