Thẩm tra tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội năm 2020

Có kịch bản ứng phó với đại dịch Covid-19

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 05:17 - Chia sẻ
Thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội năm 2020 tại phiên họp mới đây, Thường trực Ủy ban Xã hội lưu ý, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc. Do đó, cần đánh giá sát sao tình hình, có kịch bản cho bảo hiểm xã hội nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021 và cả tương lai.
Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Khó đạt mục tiêu 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến cuối năm 2020 là 15.033.644 người, chiếm 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 170.392 người, tương ứng với 1,12 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lao động tham gia trong khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang giảm 2,25% so với năm 2019. Lao động tham gia trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 4,63% so với năm 2019. Lao động tham gia trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,95% so với năm 2019. Lao động tham gia trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 5.287.046 người, tăng 1,05% so với năm 2019. 

Năm 2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.128.145 người, tăng 102,1% so với 2019; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng trong độ tuổi là 2,31%. Tổng số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 là 4.062 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019. Mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 là 1.363.925 đồng/tháng, giảm 19,28% so với năm 2019.

Với 16.161.789 người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020, tăng thêm 2,5% so với năm 2019, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nhận thấy, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là nỗ lực, cố gắng lớn. Tuy nhiên, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra và mới chỉ chiếm 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đạt được chỉ tiêu Nghị quyết số 28 đề ra vào năm 2021. Ông Đặng Thuần Phong cho rằng, về tổng quan cho thấy, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó thực hiện mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội mà Nghị quyết đã đề ra. 

Giải pháp cụ thể, linh hoạt để "giữ chân" lao động trẻ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, năm 2020 là năm đầu tiên số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị giảm so với năm trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thêm vào đó, việc tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy cũng làm cho lao động thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang giảm, tác động đến số người tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng, năm 2020 chưa phải là giai đoạn dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhất đối với người lao động mà năm nay mới là khó khăn nhất khi dịch bệnh lan rộng, tác động vào các khu công nghiệp, các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương... Do đó, cần có dự báo, phân tích và đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, cân đối thu chi quỹ bảo hiểm. Đặc biệt, cần có những kịch bản cho bảo hiểm xã hội nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021 và cả tương lai.

Trước thực tế số lượng người đóng bảo hiểm tự nguyện tăng lên, số người tham gia bảo hiểm bắt buộc giảm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng lưu ý, cần phân tích kỹ hơn. Ông dẫn chứng, năm 2020, số người tham gia bảo hiểm tự nguyện thuộc hộ nghèo là 23.443 người, tăng 8.707 người so với năm 2019, tương ứng tăng 59,1%, trong khi đó, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ là gần 13 tỷ đồng, tăng hơn 7,6 tỷ đồng so với năm 2019, tương ứng với mức tăng là 143,9%, tức là ngân sách nhà nước hỗ trợ các đối tượng này tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2019. Điều này cho thấy, mức đóng đối với hộ nghèo tham gia bảo hiểm tăng rất nhiều, hộ cận nghèo cũng tương tự như vậy. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị, cần lý giải cụ thể về vấn đề này bởi hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng ưu tiên hàng đầu phải quan tâm để hỗ trợ ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nếu mức đóng bảo hiểm xã hội tăng như vậy sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của họ? 

Với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập của người dân đang rất khó khăn như hiện nay, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm nhận định số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần có thể sẽ tăng cao vào các năm tới. Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ có những ảnh hưởng tới công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tạo ra những gánh nặng đối với gia đình và xã hội khi đối tượng này về già. Lưu ý trong năm 2019 có tới 55% tổng số đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần và không đóng tiếp là phụ nữ, bà Nguyễn Thanh Cầm đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần có số liệu phân tích về giới trong hưởng bảo hiểm xã hội một lần và cần nghiên cứu thêm để khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội thì có những chính sách thiết thực để "giữ chân" người lao động trẻ, phụ nữ trẻ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp. 

Hồ Long