Có nên cắt điện, nước?

- Thứ Hai, 26/10/2020, 07:09 - Chia sẻ
Điện, nước là dịch vụ thiết yếu của đời sống, không có nó con người trong đời sống văn minh, hiện đại, nhất là ở đô thị, khó tồn tại. Chính vì thế, việc cung ứng điện, nước không chỉ do thị trường đảm nhiệm thông qua hợp đồng, mà còn phải được Nhà nước bảo đảm. Trong khi đó, vi phạm hành chính là các hành vi gây tổn hại đến lợi ích công cộng, nhưng chưa tới mức nguy hiểm để phải xử lý hình sự. Chế tài cho các vi phạm này nhằm ngăn ngừa, loại trừ vi phạm có liên quan nhằm bảo vệ lợi ích và trật tự công cộng.

Xét từ góc độ pháp luật, một bên là quan hệ dân sự - thương mại, bên kia là quan hệ hành chính, là hai phạm trù và lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu. Đó là phục vụ xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích của con người và công dân. Mục tiêu chung này làm cơ sở cho tính thống nhất và nhất quán về các phương diện khoa học, đạo đức và chính trị của cả hệ thống pháp luật.

Cụ thể, trừ rất ít ngoại lệ, khi áp dụng một chế tài pháp luật cụ thể, tức xử phạt một hành vi vi phạm, thì phải bảo đảm nó không dẫn đến một hành vi vi phạm pháp luật khác, cũng như khi bảo vệ lợi ích của một chủ thể thì bảo đảm để không gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của một chủ thể khác, hoặc quyền, lợi ích khác của cùng chủ thể, với mức tương đồng hoặc lớn hơn. Nếu nguyên lý này không được tôn trọng và duy trì, hệ thống pháp luật sẽ bị phá vỡ từ bên trong, dẫn đến mất tính tôn nghiêm, thậm chí cuối cùng là tình trạng vô luật.  

Vậy thì để xử phạt một vi phạm hành chính, có nên và có thể cắt dịch vụ cung cấp điện, nước của chủ thể vi phạm không?

Câu trả lời là không, vì các lý do sau:

Thứ nhất, đó là sự không liên quan hay tính tách rời của các quan hệ pháp luật. Tôi có hợp đồng với công ty điện, nước mà không vi phạm hợp đồng, thì bên thứ ba, dù là Nhà nước, không thể can thiệp phá vỡ quan hệ hợp đồng đó.

Thứ hai, đó là hành vi cưỡng chế để làm sai. Cụ thể, Nhà nước sẽ sai nếu sử dụng biện pháp cưỡng chế trái với các nguyên tắc luật pháp để ép buộc nhà cung cấp điện, nước phải chấm dứt dịch vụ một cách trái pháp luật đối với khách hàng; bên bị thiệt hại sẽ có quyền khiếu nại, khởi kiện nhà cung cấp do vi phạm hợp đồng; nhà cung cấp dịch vụ bị thiệt hại cũng sẽ có quyền khiếu nại, khởi kiện cơ quan nhà nước đã ép buộc họ.

Thứ ba, nếu hành vi nói trên được hợp thức bằng một luật (trường hợp Quốc hội thông qua phương án sửa đổi Luật Xử phạt vi phạm hành chính theo hướng này) nhưng trái với nguyên tắc pháp luật như nói ở trên thì sẽ dẫn đến một chuỗi hậu quả trực tiếp tiêu cực và phức tạp, khó giải quyết. Đó là về vật chất, ai sẽ bồi thường cho các bên bị hại, bao gồm đối tượng vi phạm hành chính và nhà cung cấp dịch vụ điện, nước? Về pháp lý, tòa án hay cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ phán quyết theo hướng nào và áp dụng luật nào?

Thứ tư, nếu phương án “cắt điện, nước” nói trên được đưa vào luật, về tổng thể và lâu dài, nó sẽ gây ra các tác động rất xấu về xã hội, pháp lý và chính trị. Về xã hội, người dân sẽ gặp khó, thậm chí bị đẩy đến đường cùng nếu vi phạm hành chính. Về pháp lý, trong điều kiện nhiều người bị “đẩy đến đường cùng” như thế, tình trạng vi phạm pháp luật càng tăng, kéo theo việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật sẽ càng khó hơn. Về chính trị, đây là tác động đáng ngại nhất, đó là người dân sẽ cảm nhận rằng hai lợi ích của Nhà nước và người dân là đối lập nhau, bởi cái được gọi là bảo vệ “lợi ích và trật tự công cộng” chung sẽ không còn trùng hợp với bảo vệ quyền và lợi ích của từng người dân nữa.

Cuối cùng, xin được lưu ý rằng, pháp luật tôn nghiêm không ở chế tài hà khắc mà ở sự tín nhiệm và tự giác thi hành của người dân. Vì thế, nếu một phương án về lập pháp mà vừa không đúng, vừa “lợi bất cập hại”, thì có nên được thông qua không?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NH Quang và Cộng sự