Có nên nhập khẩu toa xe cũ?

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 08:43 - Chia sẻ
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí.

Theo đó, 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979 - 1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác. Các toa xe có ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68 - 82 chỗ ngồi, 28 - 34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản. Toa xe có thể vận hành độc lập hoặc có thể ghép nối thành đoàn tàu tùy theo nhu cầu sử dụng.

Lý do mà VNR đưa ra là chi phí nhập các toa xe này và sửa chữa để phù hợp với khổ ray thấp hơn nhiều chi phí đóng mới hoặc mua toa xe cũ của nước khác. Ngoài ra, còn có thể học công nghệ sản xuất toa xe tự hành kéo đẩy của Nhật Bản. Phía Nhật Bản đã chuyển giao nhiều toa xe cũ cho đường sắt các nước trong khu vực Đông Nam Á và đã được các nước này vận hành phục vụ hành khách. Và rằng sau khi được Chính phủ đồng ý chấp thuận chủ trương, VNR sẽ triển khai các thủ tục nhập khẩu, sửa chữa cải tạo toa xe phù hợp với quy chuẩn Việt Nam và vận dụng khai thác an toàn, hiệu quả...

Cần nhắc lại rằng, hồi đầu năm 2016, Công ty Đường sắt Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp này mua, nhập khẩu lô toa tàu chở hàng gồm 164 toa tàu chạy trên khổ đường sắt 1m đã qua sử dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh vận tải. Cụ thể, lô toa tàu chở hàng mà Công ty Đường sắt Hà Nội muốn mua gồm 75 toa sản xuất từ năm 1994, 43 toa sản xuất từ năm 1995, 27 toa sản xuất từ 1997 và 19 toa sản xuất năm 2004.

Đại diện Công ty Đường sắt Hà Nội cho rằng số toa tàu nêu trên không nằm trong danh mục các loại vật tư, phương tiện đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu theo Nghị định 187/2013, tuy nhiên, Công ty Đường sắt Hà Nội xin 2 bộ hướng dẫn việc mua lô toa tàu cũ là do từ ngày 1.9.2014, Bộ Khoa học và Công nghệ tạm ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 20/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Đến ngày 13.11.2015, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 23/2015 thay thế Thông tư 20/2014, quy định thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu có tuổi không vượt quá 10 năm nhưng  tới ngày 1.7.2016, Thông tư 23/2015 mới có hiệu lực.

Thời điểm đó, không chỉ có Bộ Giao thông - Vận tải phản đối mà Chủ tịch HĐTV VNR cũng khẳng định VNR chưa có chủ trương, đó mới là kế hoạch của các đơn vị thành viên. Chúng tôi cũng không bao giờ đồng ý chủ trương nếu có đề xuất. Chủ trương của VNR là đổi mới, đẩy nhanh hiện đại hóa đường sắt, cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà ga, toa xe... Đã hiện đại hóa thì toa chở khách phải đẹp, toa chở hàng phải nâng cấp tốc độ chạy từ 60 km/giờ hiện nay lên 70-80 km/giờ để bảo đảm năng lực vận tải của ngành đường sắt, không dùng đồ cũ...

Như vậy có thể thấy, việc có cho phép nhập khẩu qua xe đã qua sử dụng hay không cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt thì niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị không quá 40 năm. Toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng không quá 45 năm. Niên hạn này không áp dụng đối với việc thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, đề-pô, nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, cảng, đề-pô...

Với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị, chỉ được nhập khẩu khi đã qua sử dụng không quá 10 năm và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng. Niên hạn này được tính từ thời điểm phương tiện đóng mới được cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tổ chức đăng kiểm hoặc được cấp chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất. 

Ở đây có vấn đề về cách thức thực hiện. Nếu là vấn đề ngoài quy định cần được các cơ quan hữu quan thẩm định, đánh giá về áp dụng quy định của pháp luật, giá trị, hiệu quả kinh tế trước mắt và lâu dài  và cả việc vận dụng các trường hợp tương tự nếu có. Không thể chỉ kiến nghị Thủ tướng trực tiếp giải quyết ngay.

Khương Ninh