Có nên quy định "cứng" về trang phục của Hội thẩm Nhân dân

- Thứ Hai, 17/01/2022, 06:13 - Chia sẻ
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp và Thư viện Quốc hội, quy định của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ghi nhận những quy tắc ứng xử thông thường tại tòa mang tính “luật mềm”, không có quy phạm bắt buộc đối với trang phục của Hội thẩm/Bồi thẩm đoàn.

Sử dụng trang phục không thống nhất trong hệ thống Tòa án

Tại Nghị quyết số 1214/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung trang phục xét xử là áo choàng chỉ dành riêng cho Thẩm phán. Đồng thời, quy định trang phục Hội thẩm Nhân dân gồm trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, Hội thẩm Nhân dân sử dụng trang phục làm việc hàng ngày. Cụ thể là: quần âu, áo sơ mi trắng (xuân, hè) và comple (thu, đông) không có trang phục xét xử riêng.

Thực hiện quy định hiện hành, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhận thấy, có một số điểm hạn chế, trong đó có việc thẩm phán và Hội thẩm đều là thành viên Hội đồng xét xử, ngồi ngang nhau trên bục cao nhất ở chính giữa của phòng xử án. Tuy nhiên, Thẩm phán thì mặc trang phục xét xử là áo choàng còn Hội thẩm Nhân dân lại mặc thường phục. Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhận thấy, sự khác nhau về trang phục này đã tạo nên sự không đồng bộ, thống nhất ngay giữa các thành viên Hội đồng xét xử.

Tại Tờ trình cũng nêu rõ, theo quy định hiện hành, tổ chức phiên tòa tại Tòa án quân sự, Thẩm phán và Hội thẩm sử dụng trang phục thống nhất, đồng bộ, đều là quân phục. Do vậy, khi triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 1214 đã phát sinh tình huống sử dụng trang phục giữa Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân không thống nhất ngay trong hệ thống tòa án.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị quyết số 221/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thông tư liên tịch số 01/2003 của liên ngành Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 221/2003/UBTVQH11 và Công văn số 236/2003/TCCB của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao thì trang phục khi xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân giống nhau, thể hiện vị trí ngang bằng trong thực thi công lý.

Nhận định “với vai trò là người tiến hành tố tụng, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, biểu quyết theo đa số, ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử”, Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, việc “khoác trên mình” trang phục xét xử là áo choàng tương tự như Thẩm phán sẽ giúp Hội thẩm nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình. Qua đó, hạn chế được tình trạng Hội thẩm từ chối tham gia xét xử hoặc xin thay đổi do bận công tác, sẵn sàng tham gia xét xử những vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.

Chưa có quốc gia nào quy định mặc áo choàng khi xét xử

Khi thẩm tra về vấn đề này, đa số ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp nhất trí với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung nêu trên của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Các ý kiến nhất trí cho rằng, việc cấp trang phục áo choàng cho Hội thẩm Nhân dân góp phần đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Hội thẩm Nhân dân được bầu để làm nhiệm vụ xét xử trong cả nhiệm kỳ. Trong khi đó, việc thiếu thống nhất trang phục mặc xét xử tại Tòa án đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong việc tổ chức phiên tòa về trang phục xét xử giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử; có thể tạo ra sự suy nghĩ, nhận thức chưa đúng đắn về vị trí, vai trò của Hội thẩm Nhân dân trong Hội đồng xét xử. Việc sửa đổi, thay thế trang phục xét xử của Hội thẩm Nhân dân từ bộ comple thành áo choàng cũng được nhận định sẽ không làm phát sinh nguồn lực tài chính, vì chỉ sử dụng nguồn kinh phí hiện nay đã được cấp.

Nhưng cũng có một số ý kiến không nhất trí việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho Hội thẩm Nhân dân. Bởi, Thẩm phán là cán bộ, công chức Tòa án, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính là xét xử các loại vụ án, song Hội thẩm Nhân dân được HĐND bầu ra để tham gia xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. Những ý kiến này cũng lưu ý, Hội thẩm Nhân dân đại diện nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án nên trang phục cũng phải phù hợp và gần gũi với Nhân dân, mang “tính nhân dân”.

Ngoài ra, trang phục hiện nay của Hội thẩm Nhân dân cơ bản phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, phổ thông, lịch sự và được thực hiện ổn định nhiều năm nay, không có vướng mắc đáng kể khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Dẫn kinh nghiệm một số nước, những ý kiến này nhấn mạnh, dù các nước theo mô hình tố tụng nào thì cũng chưa thấy quy định Hội thẩm Nhân dân, Bồi thẩm đoàn/Hội thẩm đoàn phải mặc áo choàng khi tham gia xét xử. Do vậy, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc, giữ lại quy định về trang phục hiện hành của Hội thẩm Nhân dân.

Trên thực tế, qua rà soát quy định pháp luật của các nước về trang phục của Bồi thẩm đoàn, Hội thẩm Nhân dân (kể cả mô hình đan xen: vừa có Bồi thẩm đoàn, vừa có Hội thẩm Nhân dân), Viện Nghiên cứu lập pháp và Thư viện Quốc hội đều nhận thấy, chưa tìm được quốc gia nào có quy định thẩm phán và Hội thẩm/Bồi thẩm đoàn phải mặc trang phục giống nhau. Các quốc gia thường chỉ có những quy tắc ứng xử thông thường tại tòa mang tính “luật mềm”, không có quy phạm bắt buộc đối với trang phục của Hội thẩm/Bồi thẩm đoàn. Trong đó, chủ yếu nhắc nhở những người tham gia phiên tòa với nhiệm vụ xét xử cần có trang phục lịch sự, phù hợp, tránh các biểu tượng, hình ảnh không hợp lý. Italia là quốc gia duy nhất quy định thêm việc Hội thẩm Nhân dân đeo dải băng có hình ảnh quốc kỳ, song Thẩm phán vẫn mặc trang phục khác biệt với họ.

Như vậy, việc trang phục đồng nhất khi xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân đã từng được áp dụng và nếu triển khai thực hiện cũng sẽ chỉ cấp một lần dùng cho cả nhiệm kỳ. Song, báo cáo đánh giá tác động chưa tính hết những tình huống có thể phát sinh khi áp dụng quy định này, trong khi đó, ngay việc cấp trang phục đến Tòa án cho Hội thẩm Nhân dân hiện nay đã từng phải điều chỉnh trong thời gian qua. Khi những nhận định được đưa ra vẫn chưa có một cứ liệu chắc chắn, thì sẽ phải cân nhắc kỹ càng trong quá trình xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm.

Theo chương trình, dự thảo Nghị quyết này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 7 khai mạc sáng mai.

Thanh Hải