Có nên thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư?

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 08:34 - Chia sẻ
Bộ Tài chính đang soạn dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Những người không ủng hộ phương án này cho rằng, Nhà nước đã thu thuế và phí bảo trì đường bộ sao còn thu phí từ công trình đầu tư từ tiền thuế của dân? Phải chăng đây là thuế chồng thuế?…

Những lập luận này hoàn toàn có căn cứ! Tuy nhiên, Việt Nam cần sớm có hệ thống cao tốc để tận dụng cơ hội phát triển và giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông hiện nay. Nếu chỉ trông chờ vào đầu tư từ Nhà nước, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. Do vậy, cần tính đến huy động vốn từ khu vực tư vào cao tốc qua hình thức công - tư (PPP) và xem xét phương án thu phí trên một số tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư với điều kiện là: Việc thu phí không áp dụng cho tất cả các con đường mà vẫn phải bảo đảm quyền đi lại của người đóng thuế trên những con đường không thu phí. Nói cách khác, những con đường thu phí chỉ là một lựa chọn cho những người sẵn sàng chi trả; ai không sẵn sàng chi trả thì có thể sử dụng tuyến đường không thu phí.

Nên nhìn nhận cao tốc là một dịch vụ bổ sung, giá trị gia tăng của Nhà nước cho người dân, chứ không phải là dịch vụ cơ bản mà Nhà nước phải cung cấp miễn phí. Việc áp dụng cơ chế thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư không làm mất đi sự công bằng của những người đóng thuế. Tiền thuế bỏ ra để làm đường sẽ được bồi hoàn nhờ khoản chi trả của người sử dụng đường, tức là không tiêu tốn tiền thuế. Đổi lại, việc đầu tư con đường thu phí sẽ làm giảm tắc nghẽn trên các con đường không thu phí, tức là đem lại lợi ích kinh tế cho những người đóng thuế, không sử dụng đường thu phí. Do đó, quyền lợi của người đóng thuế vẫn được bảo đảm. Việc đường cao tốc dù Nhà nước hay tư nhân đầu tư đều phải trả phí sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP.

Hơn nữa, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện không thu phí chủ yếu xây dựng bằng nguồn vốn ODA. Nguồn vốn này cần được hoàn trả trong tương lai. Nếu không thu phí sẽ phải dùng ngân sách - là khoản đóng góp của toàn dân - để trả nợ, trong khi người hưởng lợi là những người sử dụng cao tốc và họ không phải trả phí. Trong trường hợp này, việc không thu phí cao tốc tương tự dùng thuế trợ cấp cho một số ít người dùng cao tốc miễn phí.

Điều cần làm rõ ở đây là việc Nhà nước xây cao tốc và thu phí chỉ nên là giải pháp tình thế và chỉ áp dụng ở những dự án không thể thu hút đầu tư tư nhân. Phải kiên quyết tránh lạm dụng phương án này nhằm sử dụng nguồn lực công đầu tư vào những dự án mà tư nhân có thể làm được. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể đầu tư cao tốc, sau đó đấu thầu khai thác quyền thu phí và bảo dưỡng cho khu vực tư hoặc bán lại toàn bộ cao tốc cùng quyền thu phí cho tư nhân. Khi con đường đã hình thành, doanh thu đã ổn định, rủi ro với nhà đầu tư sẽ thấp hơn nhiều, do vậy việc chuyển giao trên cơ sở cạnh tranh minh bạch, bảo đảm lợi ích Nhà nước hoàn toàn khả thi.

Để bảo đảm sử dụng nguồn lực công hiệu quả khi khu vực tư chưa sẵn sàng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nên chỉ dừng lại ở việc cho phép thu phí hay không thu phí trên những tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư mà cần khẳng định rõ quan điểm: Nhà nước tuyệt đối không đầu tư để thu phí trên những tuyến cao tốc có thể huy động nguồn lực tư nhân thông qua hình thức PPP.

Phan Vinh Quang - Chuyên gia kinh tế