Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid-19:

Có niềm tin vào sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:16 - Chia sẻ
Khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, cho mở lại các dịch vụ, không khí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rất tốt, thu hút lao động quay trở lại một số "đầu tàu" kinh tế của đất nước. Với những diễn biến bước đầu này, nhiều đại biểu Quốc hội có niềm tin vào sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, để đưa niềm tin đó thành hiện thực thì nhiệm vụ quan trọng ngay trong năm 2021 là phải ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế - xã hội.

Không thể "đóng cửa" mãi

Đợt dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 đến nay, nhất là đợt bùng phát thứ 4 với biến chủng virus mới đã ảnh hưởng đến tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhận định được Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Hai "chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu".

Lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cần thích ứng an toàn với dịch bằng cách bao phủ vaccine, chuẩn bị đáp ứng thuốc điều trị, không được chủ quan mà phải vận dụng linh hoạt. Thời gian tới vẫn phải áp dụng nghiêm túc 5K, đẩy mạnh tiêm vaccine, thuốc điều trị, phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là trong bối cảnh có những ổ dịch mới xuất hiện ở một số địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không thể đóng cửa mãi, các quốc gia đã mở thì chúng ta cũng phải mở cửa để bảo đảm tăng trưởng, giải quyết việc làm. Tất nhiên, mở cửa nhưng phải luôn trong tinh thần đề cao cảnh giác.

Trong thời gian qua, khi các chính sách nới lỏng được triển khai, nhiều địa phương đã ghi nhận không khí sản xuất, kinh doanh trở lại. Trong đó, điển hình như thành phố Hồ Chí Minh với chương trình tái thiết kinh tế quyết liệt, lao động bước đầu đã quay lại thành phố. Hay như, một số địa phương cũng đang phục hồi sản xuất rất tốt như Bắc Ninh, Bắc Giang. Với những tín hiệu này, Chủ tịch Nước tin tưởng, nền kinh tế nước ta sẽ lấy lại phong độ và đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội năm 2022 phấn đấu tăng GDP 6 - 6,5%.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, các ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Lê Minh Nam (Hậu Giang)… cho rằng, 12 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra cơ bản đầy đủ, toàn diện. Vấn đề quan trọng và cần quan tâm hơn là thực hiện thế nào cho hiệu quả các giải pháp này. Bởi, như phân tích của ĐBQH Phan Đức Hiếu, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ rất nỗ lực, có nhiều nghị quyết rất tốt như các Nghị quyết số 105, 128, 168... Nhưng quá trình thực thi còn nhiều điều đáng lo ngại, nhiều giải pháp tại Nghị quyết số 105/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nợ, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp. 

Trong thời gian tới, các ĐBQH nhấn mạnh, việc triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn với dịch phải được coi là nhiệm vụ cấp bách và thực hiện ngay từ đầu năm 2022. “Chiến lược này cần được ban hành ngay trong năm 2021, bởi sẽ góp phần sớm phục hồi kinh tế, thể hiện cam kết rất cao với các nhà đầu tư để họ khôi phục kế hoạch kinh doanh. Tất nhiên, chiến lược này sẽ phải tiến hành đánh giá tổng quan, công phu, không dễ thực hiện, cũng có thể phải điều chỉnh. Nhưng các nước khác cũng điều chỉnh hàng tháng, hàng quý với chiến lược tương tự, nên chúng ta cũng ban hành sớm và có thể điều chỉnh để thích ứng”, ông Phan Đức Hiếu đề nghị.

Có cùng quan điểm này, ĐBQH Lê Tiến Châu (Hậu Giang) đề nghị, cần có một gói hỗ trợ lớn để tạo các điều kiện bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu dành dư địa để doanh nghiệp có thể đầu tư lại bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh sẽ giúp tháo gỡ điều lo ngại hiện nay, khi người lao động quay trở lại trung tâm kinh tế lớn không dễ, vì không gian sống, làm việc của họ khó khăn. “Đầu tư của Nhà nước cho gói hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào khía cạnh này sẽ giúp sử dụng ngân sách tiết kiệm, vừa hỗ trợ trúng nhu cầu thực tế. Thực hiện gói hỗ trợ này cùng với bảo đảm lưu thông, tránh đứt gãy sản xuất sẽ giúp vừa tiết kiệm, vừa đúng, vừa trúng”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Cơ hội để khắc phục nhiều hạn chế

ĐBQH Lê Tiến Châu cũng cho rằng, trong nhiều việc cần triển khai thực hiện thời gian tới, thì cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm. Thời gian qua, chúng ta đã làm và quan tâm, nhưng có lẽ chưa quan tâm đầy đủ về vai trò của pháp luật với tư cách là công cụ để các cấp, ngành điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong các đợt bùng phát dịch vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo rất cần thiết và kịp thời. Các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp khắc phục một số lúng túng trong quá trình triển khai, hỗ trợ Chính phủ, Thủ tướng trong chỉ đạo, điều hành. Nhưng, theo đại biểu Lê Tiến Châu, thực tế đang đòi hỏi văn bản điều chỉnh có tính pháp lý cao hơn, mạnh hơn và bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo điều hành.

Các đợt dịch bệnh bùng phát thời gian qua cũng đã tạo ra nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Trong đó dòng lao động di cư từ các khu công nghiệp, khu chế xuất trở về quê sẽ tạo thách thức cho doanh nghiệp khi muốn khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, đây là cơ hội để quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nghề, đào tạo lại, đặc biệt là thích ứng với sự chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu nghề nghiệp thay đổi sau khi dịch bệnh đi qua. “Cần có chính sách hỗ trợ người lao động, thậm chí là đưa đón trở lại, tạo nơi ăn chốn ở, điều kiện học hành cho con cái họ mới hy vọng nối lại chuỗi sản xuất. Nếu không giải quyết nguồn cung lao động sẽ khó có thể khôi phục sản xuất, thu hút doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào nước ta”, ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nhấn mạnh.

Tình hình quốc tế, trong nước được nhận định hiện có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dù vậy, với sự chuyển động tích cực của sản xuất, kinh doanh ở một số trung tâm kinh tế lớn sau khi triển khai chương trình tái thiết kinh tế quyết liệt, nhiều ĐBQH đặt niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế nước ta trong năm 2022. Tất nhiên, chúng ta phải phản ứng rất nhanh, ban hành ngay Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Và phải coi giai đoạn này là cơ hội để sắp xếp cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đời sống của người lao động để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thanh Hải