Cổ phần hóa hãng phim mất nhiều hơn được

- Thứ Năm, 17/06/2021, 06:46 - Chia sẻ
Khảo sát tại 4 hãng phim trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện cổ phần hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng, “đến lúc này có thể thấy, cổ phần hóa các hãng phim mất nhiều hơn được”; đồng thời nhấn mạnh phải có cơ chế để các đơn vị “sống được”, anh em nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Luôn bất an, lo lắng

Ngày 27.5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ); UBND TP Hồ Chí Minh xử lý thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung (phường Bến Nghé, quận 1) theo đúng kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30.3.2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23.8.2018 của Thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục và thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ khảo sát tại Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam, tháng 1.2021 - Ảnh: Bích Diệp
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ khảo sát tại Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam, tháng 1.2021
 Ảnh: Bích Diệp

Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây tranh cãi suốt từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết, là minh chứng rõ nhất cho sự thất bại của việc thực hiện cổ phần hóa các hãng phim. 5 năm từ khi chuyển đổi thành Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển phim Truyện Việt Nam, hoạt động sản xuất phim tại đây hoàn toàn bị đóng băng. Mâu thuẫn giữa cán bộ, nghệ sĩ, người lao động với nhà đầu tư ngày càng tăng do bị cắt lương, cắt bảo hiểm và cũng không được làm nghề. Các nghệ sĩ nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết, cứu vãn một thương hiệu của điện ảnh Việt Nam.

Không bi đát như Hãng phim truyện Việt Nam nhưng tình trạng của các hãng phim khác đã cổ phần hóa cũng không khả quan hơn là bao. Là công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, có cổ đông lớn và các cổ đông khác, nhưng hàng năm số lãi của Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam chỉ đủ trích lập các quỹ (quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ phát triển doanh nghiệp) mà không đủ để chia cổ tức cho cổ đông. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam Trần Thị Thu Hiền, lý do phim hoạt hình là sản phẩm đặc thù, chi phí cao, công lao động lớn nhưng nguồn thu do việc phát hành, phổ biến không được bao nhiêu. Phim hoạt hình chỉ phù hợp và được sản xuất khi Nhà nước đặt hàng để làm nhiệm vụ chính trị.

“Từ khi cổ phần hóa Hãng phim hoạt hình Việt Nam, người lao động luôn bất an lo lắng về việc Nhà nước sẽ thoái vốn bất kỳ lúc nào. Bởi nếu Nhà nước không tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối mà để nhà đầu tư có quyền chi phối thì nhà đầu tư có thể sẽ vì lợi nhuận mà xóa bỏ ngành nghề sản xuất phim hoạt hình, tập trung vào lĩnh vực khác sinh lợi nhuận lớn”, bà Trần Thị Thu Hiền giải thích.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng cũng “có nhiều nỗi buồn”. Ông cho rằng, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không phù hợp, rất khó cho hãng phim phát triển. Cổ phần hóa không biết hãng phim sẽ đi về đâu. “Phải yêu hãng phim kinh khủng người lao động mới không bỏ đi. Nguồn nhân lực và năng lực quản lý cũng có vấn đề. Nếu bung ra cạnh tranh thì có được không?”

Sau 5 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải phóng Đoàn Phúc Yêm khẳng định, trước khi cổ phần hóa “ngon hơn”. “Khi cổ phần hóa, chúng tôi mất hết vị trí. 5 năm chỉ sản xuất được 1 phim thì khó nói chuyện gì. Có phim, có tiền mới có thể tính được”. Mọi nguồn thu của Công ty hiện do đặt hàng của Nhà nước, cộng với tiền sản xuất phim với đối tác bên ngoài, gia công cho đài truyền hình, cho thuê tòa nhà, phim trường... “Nguồn thu này đủ để trả lương, chứ chưa đủ để sắm máy móc mới theo kịp yêu cầu hiện nay”, ông Đoàn Phúc Yêm cho biết thêm.

Nhà nước không thể buông hẳn

Xã hội hóa là chủ trương rất lớn không chỉ với lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn với kinh tế và các lĩnh vực khác. Nhưng sau khi thực hiện xã hội hóa, điện ảnh gặp khủng hoảng, phim Việt Nam chủ yếu chạy theo thương mại. Vì Nhà nước không có sự chuẩn bị những bước đi cụ thể cho xã hội hóa văn hóa nghệ thuật nói chung, sau khi xã hội hóa, Nhà nước đã buông điện ảnh, để điện ảnh tự hoạt động.

NSND Minh Đức, từng một thời gian dài gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam qua hàng loạt phim như “Khói trắng” (1962), “Bình minh trên rẻo cao” (1970), “Những ngôi sao biển” (1973), “Những người đã gặp” (1979)..., nghẹn ngào khi trao đổi với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ: “Nhà nước chủ trương xã hội hóa rồi bỏ rơi điện ảnh, bỏ rơi một cách đau đớn, không thương tiếc. Hậu quả là các hãng phim Nhà nước dần mất vị trí và vị thế”.

Trong sóng gió của kinh tế thị trường, các cơ sở sản xuất, phát hành phim, chiếu bóng từng có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hà Nội, NSƯT Thanh Loan, do mất dần sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất phim, điện ảnh, nên thời gian qua có lúc thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội... có khả năng định diện nền điện ảnh Việt Nam, góp phần bồi bổ nội lực tinh thần dân tộc, giữ vững nhân tâm, ổn định tình hình đất nước làm động lực thúc đẩy công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khi đó, phim do tư nhân sản xuất phần lớn là phim thương mại và đề cao tính giải trí lại là dòng phim chủ đạo của điện ảnh Việt hiện nay.

“Nếu Nhà nước coi việc giáo dục con người, văn hóa và tư tưởng rất quan trọng thì không được buông lĩnh vực điện ảnh, mà phải cung cấp kinh phí nào đó thực hiện những đề tài quan trọng về lịch sử cách mạng, danh nhân dân tộc, những đề tài tuyên truyền khó thu hồi vốn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các động thái quản lý từ sản xuất đến phát hành” - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim kiến nghị.

Sau khi khảo sát tại cả 4 hãng phim trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện cổ phần hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng cổ phần hóa các hãng phim mất nhiều hơn được. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ sẽ có thêm các trường hợp như Hãng phim truyện Việt Nam. “Cơ chế doanh nghiệp đòi hỏi các đơn vị phải năng động hơn, song cũng phải làm thế nào để đơn vị sống được, anh em nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo”, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh.

Anh Minh