Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi):

Cơ sở pháp lý xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

- Thứ Năm, 25/11/2021, 06:48 - Chia sẻ
Tháng 7.2021, Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Quy định rõ nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai

Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, trong 21 loại hình thiên tai được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) thì phần lớn nước ta chịu ảnh hưởng của hầu hết loại hình thiên tai này, khiến cho bình quân 30 năm trở lại đây, nước ta có khoảng 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1 - 1,5% GDP/năm. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dị thường, việc đầu tư, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai là rất quan trọng.

Mưa lũ tại Quảng Nam năm 2020. Nguồn: ITN
Mưa lũ tại Quảng Nam năm 2020.
Nguồn: ITN

Về những điểm mới trong Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi), theo đại biểu Quốc hội Khóa XIV Trương Thị Yến Linh, ngoài 5 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai như quy định trước đây, Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) đã bổ sung 2 chính sách mới. Một là, ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Hai là, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Trong Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) quy định rõ lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực dân quân ở thôn, dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương nhìn nhận, “Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) đã quy định nguồn nhân lực quan trọng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, quy định rõ lực lượng xung kích sẽ làm cơ sở để đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng, trang bị phương tiện, công cụ cho lực lượng này và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Qua đó có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hiệu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, từ ngày 20.8.2021, nhiều chế độ, chính sách mới đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã sẽ được áp dụng. Cụ thể, lực lượng này sẽ được hưởng tiền lương, tiền công khi được huy động làm nhiệm vụ và chế độ khám chữa bệnh, trợ cấp tai nạn, trợ cấp tiền tuất...

Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) còn bổ sung quy định điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và hoạt động phòng, chống thiên tai. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương, “qua quá trình này sẽ đánh giá được hiện trạng về số lượng, chất lượng, năng lực của công trình phòng, chống thiên tai và công trình hạ tầng có liên quan đến phòng, chống thiên tai. Đánh giá được hiện trạng về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, nhân lực, tài chính, trang thiết bị trong hoạt động phòng, chống thiên tai. Hiện trạng hệ thống thông tin, quan trắc, giám sát thiên tai và các dữ liệu phòng, chống thiên tai. Đồng thời cũng đánh giá kịp thời tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai; tác động của thiên tai đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội qua đó giúp chúng ta chủ động ứng phó hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống thiên tai”.

Bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai

Trong Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung tổ chức của Quỹ Phòng, chống thiên tai. Theo quy định mới, Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh (trước đây chỉ tổ chức ở cấp tỉnh). Đồng thời Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai.

	Các chiến sĩ quân đội cùng người dân hộ đê tả Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội Nguồn: Hanoimoi.com.vn
Các chiến sĩ quân đội cùng người dân hộ đê tả Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Nguồn: Hanoimoi.com.vn

Dưới góc nhìn địa phương, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai Quảng Văn Việt cho biết, Quỹ Phòng, chống thiên tai hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Quỹ ở địa phương được chủ động sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Quỹ ở Trung ương chủ yếu được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp, thiệt hại nghiêm trọng và điều tiết giữa các địa phương, khu vực. Nguồn kinh phí Quỹ được điều chuyển giữa quỹ ở Trung ương và quỹ ở địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo ông Việt, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, tổng nguồn thu Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 54,452 tỷ đồng. Nguồn Quỹ này đã bổ sung nguồn lực giúp tỉnh Lào Cai thực hiện công tác phòng, ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ do thiên tai gây ra, nhất là trong các tình huống cấp bách. Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn tỉnh đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Thực hiện thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị chết, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, thời gian qua, Tổng cục đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống thiên tai, trong đó có Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi). Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi) cho các tỉnh, thành, đồng thời hướng dẫn, giải đáp một số vướng mắc, khó khăn của các địa phương khi triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai trong thời gian vừa qua. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, thực thi pháp luật; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống thiên tai của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trên toàn quốc.

Văn Anh