Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Cơ sở xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:40 - Chia sẻ
Tham gia thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá Dự án Luật sẽ góp phần quan trọng phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Bộ công cụ phục vụ quản lý, điều hành ở các cấp chính quyền địa phương - đó là Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

Phản ánh đầy đủ, sát thực tình hình kinh tế - xã hội

Trong Tờ trình gửi đến Quốc hội, Chính phủ đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án Luật. Với tinh thần xây dựng Luật để bảo đảm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia… Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 6, Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điểm d, Khoản 2, Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 cũng được thay thế bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này. Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: Số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu.

Tham gia ý kiến, tại điểm cầu Quảng Ninh, Phó Ttrưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Điều 18 của Luật Thống kê về điều chính bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”. Vì vậy, việc sửa đổi Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được đánh giá là hết sức phù hợp.

Đại biểu cho biết, mục đích sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm thông tin thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng. Việc thông qua dự án Luật cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Bộ công cụ phục vụ quản lý, điều hành ở các cấp chính quyền địa phương - đó là Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh

Ảnh: Mạnh Tuân

Bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành

Nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ; Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về Dự án luật của Bộ KH và ĐT, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện Dự án Luật quan trọng này trước khi được Quốc hội thông qua. Theo đó, để thực hiện công tác thống kê hiệu quả và để Luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ cần chủ động nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Cụ thể như Nghị định ban hành Quy trình biên soạn GDP và GRDP…

Đại biểu thống nhất với cách tiếp cận của Chính phủ là chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới; phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.

Đối với thẩm quyền công bố chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu GRDP; thẩm quyền công bố hay ủy quyền công bố theo luật định và trách nhiệm của người công bố. Trong đó, có sửa đổi, bổ sung Điểm d, Khoản 2, Điều 48 Luật Thống kê, như báo cáo giải trình số 7285 ngày 25.10.2021 của Bộ KH và ĐT. Đại biểu cơ bản nhất trí về nội hàm “thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ” như giải trình của Bộ KH và ĐT. Đối với thẩm quyền công bố chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu GRDP; hay ủy quyền công bố theo luật định và trách nhiệm của người công bố nêu trong báo cáo giải trình … “Trong trường hợp không thống nhất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố thông tin và chịu trách nhiệm về thông tin thống kê công bố”. Theo đại biểu, việc giao Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê công bố và chịu trách nhiệm, để khách quan, khi không thống nhất, thì cần có một bên thứ 3 làm trọng tài. "Ở đây, tôi đề xuất Chính phủ, hoặc Bộ trưởng Bộ KH và ĐT xem xét quyết định", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất.

Góp ý thêm về Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ khi nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia cần quy định tối đa phân tổ theo “dân tộc”, theo “tỉnh/thành phố” trong các chỉ tiêu để bảo đảm có đủ thông tin chủ yếu liên quan đến người dân tộc thiểu số phục vụ quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước. “Phân tổ đến cấp huyện các chỉ tiêu: Thu nhập bình quân; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ...”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà góp ý thêm.

MẠNH TUÂN