Tuần tới, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Có thể chấp nhận tăng trưởng ở mức thấp

- Chủ Nhật, 07/11/2021, 06:05 - Chia sẻ
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên đặt mục tiêu cao ở giai đoạn này, có thể chấp nhận tăng trưởng ở mức 1,5 - 2%. Quan trọng là tăng trưởng phải đi liền với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tạo đà tốt cho năm tới.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 100%

Đầu tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường trong đợt họp thứ 2. Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%.

Trước đó, dựa vào tăng trưởng 9 tháng, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Trong kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%, theo tăng trưởng quý IV phải đạt 5,3%. Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3% và để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% hoàn toàn đạt được, thậm chí có thể cao hơn. Lý do là nền kinh tế đã có được những kết quả hết sức tích cực trong tháng 10 vừa qua, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cũng như thực hiện chiến lược “sống chung với Covid-19” một cách phù hợp.

Cụ thể, theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10.2021 của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Sản xuất công nghiệp thay đổi rõ nét, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, tính chung 10 tháng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất nhập khẩu tuy vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch tháng 10 giảm 0,4% so với tháng 9, nhưng đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tháng 10 tăng 18,6% so với tháng trước.

Đáng chú ý, tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu phục hồi với những tín hiệu tích cực. Tháng 10 cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng trước đó. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng tăng 29,8%.

Không nên đặt mục tiêu cao ở giai đoạn này

Không lạc quan như vậy, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong điều kiện cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với dịch bệnh và bảo đảm sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy thì tăng trưởng GDP cả năm cũng chỉ đạt 2 - 2,5%. Ông lo ngại GDP quý III giảm sâu tới 6,17% so với cùng kỳ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp FDI dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở nước khác; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao và chi phí phòng, chống bệnh dịch sẽ được chuyển vào giá tiêu dùng...

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình cho hay, thông thường kinh tế quý IV tăng trưởng cao bởi các đơn đặt hàng rất mạnh ở quý III để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp lễ cuối năm. Năm nay chúng ta bị lỡ mất cơ hội này do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế không được hỗ trợ từ các ngành dịch vụ, du lịch dịp cuối năm như những năm trước. Do đó, hai tháng cuối năm khó có lực đẩy từ phía cầu của thị trường cho nền kinh tế. Ngoài ra, ông Bình nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tốc độ chúng ta thích ứng chủ động với dịch bệnh như thế nào? Các địa phương điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch ra sao? Sự phục hồi thị trường toàn cầu mức nào?

Theo ông Bình, năm nay cần hướng tới tăng trưởng dương để tạo đà tốt cho năm 2022, nhưng nên chấp nhận mức thấp từ 1,5 - 2%. “Đừng đưa ra mức dự báo cao để không thực hiện được! Điều quan trọng là sự tăng trưởng bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, đồng thời tạo đà cho năm tới”.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tán thành việc không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao ở giai đoạn này. Thay vào đó, điều cần làm là Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố phía Nam phải sớm cho hàng hóa được lưu thông tự do, tạo tiền đề cho phục hồi kinh tế. Trong đó, chú trọng 3 yếu tố: Mua sắm cuối năm và Tết; doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh nên có nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu, xây dựng các công trình dở dang; học sinh, sinh viên đi học trở lại kéo theo nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Về phía các địa phương không được đưa ra những quy định riêng gây cản trở hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, mạnh dạn giao cho doanh nghiệp quyền tự chủ trong phục hồi sản xuất, phòng chống dịch bệnh…

An Thiện