Côn Đảo và bài toán nước ngọt cho vùng mặn đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Ba, 28/12/2021, 06:02 - Chia sẻ
Nguyễn Ngọc Trân [1]
Vòng xoáy “khan hiếm nước ngọt - khai thác nước ngầm - sụt lún đất - xâm nhập mặn” đang gây sụt lún đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để người dân yên tâm “bám trụ”, vấn đề cốt lõi là có nước ngọt cho sinh hoạt. Tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lọc nước mặn thành nước ngọt mở ra triển vọng Côn Đảo là nơi sản xuất và cung ứng nước ngọt cho vùng mặn của đồng bằng.

Một vòng xoáy nghiệt ngã chưa thấy điểm ngắt

Vòng xoáy “khan hiếm nước ngọt - khai thác nước ngầm - sụt lún đất - xâm nhập mặn” ở ĐBSCL, đặc biệt ở vùng ven biển, và nhất là ở nam bán đảo Cà Mau là đáng báo động. Nhiều hội thảo, hội nghị đã được các bộ, ngành có liên quan tổ chức trong thời gian qua. Tuy nhiên, các hoạt động này, cho tới những tuần gần đây, chỉ mới gióng lên hồi chuông báo động, hơn là đề xuất các giải pháp.

Làm gì để giảm bớt khai thác nước ngầm nhằm giảm nhẹ sụt lún trong bối cảnh biến đổi khí hậu nước biển dâng và nguồn nước từ thượng nguồn về đồng bằng giảm, là một câu hỏi bức thiết.

Năm 2019 tại hội nghị đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tác giả đã đề nghị Bộ Xây dựng, theo chức năng, đánh giá cụ thể nhu cầu nước ngọt cho dân sinh và cho sản xuất tại vùng ven Biển Đông “không ngọt hóa được”, hiện tại và dự báo trong năm, mười năm tới, và đề xuất các biện pháp đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho vùng.

Tác giả có dịp nghiên cứu để góp ý với dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long [2]. Hơn một lần, Báo cáo nói đến tác động tai hại của việc khai thác nước ngầm quá mức, cần được quản lý để ĐBSCL không sụt lún nhanh hơn. Nhưng giải pháp dừng lại ở đó.

Nói cách khác, cho tới thời điểm này, chưa thấy được điểm ngắt cắt đứt vòng xoáy.

“Bỏ xứ” hay “bám trụ”?  

Tỷ số di cư thuần vùng ĐBSCL là -39,9%, cao nhất cả nước. Tỷ suất này ở các tỉnh ven Biển Đông còn cao hơn: Trà Vinh -44,4%; Sóc Trăng -75,0%; Bạc Liêu -52,2%; Cà Mau -62,7% [3].

Từ giữa thập niên 2010 đã có những đề án nghiên cứu việc di dân đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, chỉ ra những yếu tố cần được cân nhắc trong quá trình thiết kế các chương trình tái định cư để bảo đảm thành công, và “khẳng định di cư rõ ràng đóng vai trò tích cực trong việc giúp các cộng đồng thích nghi với biến đổi của môi trường” [4],[5].

Bỏ xứ hay bám trụ? Nhìn lại lịch sử của đồng bằng, mặc dù có hiện tượng di cư thuần hiện nay, tác giả không nghĩ là người dân ở vùng mặn, đặc biệt ở Cà Mau lại dễ dàng bỏ xứ ra đi.

Nhưng để người dân bám trụ, cần giải quyết vấn đề gì cốt tử nhất? Không có nước ngọt cho sản xuất lúa gạo, người dân sẽ biết “xoay xở” như họ đã từng. Họ đã chẳng tồn tại, sản xuất và có kế sinh nhai thích hợp trong môi trường nước lợ và mặn từ nhiều thế hệ là gì?

Vấn đề thiết yếu là nước ngọt cho sinh hoạt. Vì thế nước ngầm đã được sử dụng từ nhiều đời nay trong mùa khô để bổ sung cho nguồn nước mưa và nước ngọt từ sông Tiền và sông Hậu đổ về, hoặc để thay khi nguồn nước này không về tới.

Tuy nhiên mật độ dân số ngày nay ở vùng mặn cao hơn trước nhiều. Cái giá phải trả để đáp ứng nhu cầu nước ngọt từ nước ngầm đó là mực nước ngầm tụt sâu và sụt lún đất. Năm 2012, tại tỉnh Cà Mau có khoảng 109.000 giếng nước đang hoạt động và khai thác tổng cộng 373.000 m3/ngày đêm [6].

Giải quyết nước ngọt cho sinh hoạt, hạn chế tối đa, có lịch trình giảm dần và quản lý tốt việc khai thác nước ngầm, có lẽ là bốn yếu tố của một điểm ngắt vòng xoáy.

Báo cáo Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL phải xem việc cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt của người dân vùng ven biển là một nhiệm vụ bức thiết của Quy hoạch.

Tác giả tin rằng có nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt, người dân sẽ bám trụ ở lại và sẽ tìm ra mô hình sản xuất thích hợp và các giải pháp phi công trình để chung sống với nước lợ và nước mặn.

Vấn đề là có nước ngọt từ đâu? Chỉ có thể từ nước biển là câu trả lời khả dĩ nhất trong bối cảnh các thách thức mà ĐBSCL đang đối diện.

Cơ sở để lựa chọn Côn Đảo

Bài toán nước ngọt cho vùng ven biển ĐBSCL cộng với các tiến bộ khoa học công nghệ đã hướng tác giả nhìn về các đảo chung quanh vùng mặn đồng bằng sông Cửu Long: Côn Đảo, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc.

Xét về quy mô, nếu để đáp ứng yêu cầu của một huyện như Trần Văn Thời, một hai huyện như Ngọc Hiển, Phú Tân, thì Hòn Đá Bạc hoặc Hòn Khoai có thể đáp ứng, nhưng nếu quy mô rộng hơn, cho cả vùng ven biển thì Côn Đảo thích hợp hơn.

Về chất lượng nước biển, quanh Hòn Khoai và Hòn Đá Bạc là nước biển ven bờ, đục vì chứa nhiều vật chất lơ lửng, sẽ bịt nhanh các màng lọc hơn là nước biển đại dương quanh Côn Đảo.

Không quá xa vùng mặn của đồng bằng [7], nằm giữa trùng khơi, ngập tràn nắng, gió, bao quanh bởi dòng hải lưu, bốn bề là nước đại dương; với công nghệ mới về năng lượng tái tạo và về lọc nước biển thành nước ngọt; với nguồn nguyên liệu đầu vào cho điện năng và cho lọc nước không mất tiền và hầu như vô tận, Côn Đảo là địa bàn rất phù hợp để xây dựng những trung tâm năng lượng tái tạo, trước mắt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phục vụ cho những nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, xây dựng gần bên cạnh, theo mô đun từng bước tùy theo nhu cầu và khả năng. Tác giả cho rằng đây là ý tưởng có cơ sở cho một giải pháp chủ động mang nước ngọt đến vùng mặn của đồng bằng. 

Năng lượng giónăng lượng mặt trời phát triển mạnh trên thế giới với chất lượng ngày càng cao, giá thành ngày càng giảm, cũng đã cắm rễ và ngày càng mở rộng ở Việt Nam, ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt ngày nay đã phổ biến trên thế giới với giá thành một mét khối ngày càng giảm [8]. Tại Việt Nam công nghệ này hãy còn manh nha, đã được áp dụng tại Trường Sa và tại nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân (Bình Thuận).

Lượng điện năng tiêu thụ để sản xuất một mét khối nước lọc giảm từ 12kWh năm 2012, xuống còn 02kWh năm 2015. Về ảnh hưởng đến môi trường do độ mặn đậm đặc của nước biển thải ra môi trường sau khi lọc, có thể tham khảo trường hợp Đảo Malta và các nhà máy ở Israel.

Nước ngọt lọc được tại Côn Đảo sẽ được chở về đất liền, trước mắt bằng tàu quanh năm, nhất là về mùa khô. Nước ngọt và nước đá (sản xuất với điện năng tại chỗ) sẽ được cung cấp cho tàu đánh cá của ngư dân để tăng thêm thời gian đánh bắt trên Biển Đông và vịnh Thái Lan. Ý tưởng nếu được thực hiện, sẽ mang lại ba lợi ích, cho Côn Đảo, cho đồng bằng sông Cửu Long và cho ngành đánh bắt thủy hải sản.

Tuy hãy còn là ý tưởng có cơ sở còn cần được cụ thể hóa bằng các bước nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, nhưng tác giả tin rằng giải pháp này nằm trong tầm tay của đất nước với tiến bộ khoa học công nghệ trong cả hai lĩnh vực, năng lượng tái tạo và lọc nước biển được dự báo sẽ còn tiến nhanh trong những thập niên tới đây. 

Năm 1985, cố Thủ tướng Võ văn Kiệt, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhắc tác giả rằng Côn Đảo tuy thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nhưng khoảng cách đến đất liền Sóc Trăng là ngắn nhất. Chương trình 60-02 [9] cần quan tâm đến đảo, gắn kết Côn Đảo với đồng bằng trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Hơn cả khoảng cách địa lý, còn là vị trí chiến lược của Côn Đảo ở Biển Đông! 36 năm đã trôi qua, tác giả vẫn đinh ninh lời dặn này.

Vì sự phát triển bền vững của vùng mặn ĐBSCL, và của cả đồng bằng, tác giả mong rằng ý tưởng nêu trong bài viết này sẽ nhận được sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành hữu quan, của các tỉnh ĐBSCL, và của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 


[1] Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990),Đại biểu Quốc hội Khóa IX, X, XI.

[2] Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long là một dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách, và Royal HaskoningDHV + GIZ là đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo. Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời góp ý, tác giả đã trình bày các nhận xét của mình với Bộ trưởng.

Nguyễn Ngọc Trân, Quan điểm phát triển vùng ĐBSCL. MDIRP quy hoạch gì cho thời kỳ (2021-2030) -32.pdf (vnulib.edu.vn); Nguyễn Ngọc Trân, Tầm nhìn 2050 trong MDIRP và phát triển bền vững ĐBSCL -33.pdf (vnulib.edu.vn).

[3] Tổng cục Thống kê, Báo cáo kết quả Tổng điều tra dân số tháng 4 năm 2019, Tổng cục Thống kê, Hà Nội, 12.2019.

[4] UNDP Vietnam, Di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tại Việt Nam 2014, https://www.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Migration%20and%20climate%20change_BW_VN.pdf

[5] Han Entzinger, Peter Scholten, 2016, Adapting to Climate Change through Migration: A Case Study of the Vietnamese Mekong River Delta, Publisher IOM, Liên minh châu Âu tài trợ, Trường Đại học Erasmus Rotterdam thực hiện,https://publications.iom.int/system/files/pdf/vietnam_survey_report_vn_0.pdf

[6] Norwegian Geotechnical Institute (NGI), Assessment of apparent land loss in the province of Ca Mau, Vietnam, Phase 1 Report 2012, 31 December 2012. Báo cáo được trình bày tại Hội thảo tổ chức tại Cần Thơ ngày 17.6.2013.

[7] Côn Đảo cách bờ biển Sóc Trăng theo đường chim bay 45 hải lý, cách Bà Rịa - Vũng Tàu 97 hải lý. Trước dich Covid-19, mỗi ngày đều có tàu khách chạy khứ hồi Trần Đề - Côn Đảo. Vào lúc cao điểm, có 3 chuyến đi/3 chuyến về trong ngày. Hành trình dài 2 giờ 15 phút đến 2 giờ 30 phút.

[8] Xin đơn cử vài ví dụ. Ở đảo Malta, năm 2017 đã cung cấp gần 18,9 triệu m3 lọc bằng công nghệ RO, bằng 57% tổng lương nước tiêu dùng của đảo. Giá từ 0,3 đến 0,7 euro/m3. Năm 2019 Israel đã sản xuất 585 triệu m3 nước lọc đáp ứng 80% nhu cầu nước sạch uống được của cả nước. Israel có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy mới có công suất lọc 200 triệu m3/năm, lớn nhất thế giới. Về tiêu thụ điện năng, năm 2102 là 12kWh cho một m3. Năm 2015 giảm còn 02 kwh. (Dessalement — Wikipédia (wikipedia.org)

[9] 60-02 và 60-B là mã số của Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990). Xem Báo cáo tổn hợp của Chương trình tại  Document Viewer (vnulib.edu.vn)