Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Còn một số quy định gây tốn kém ngân sách nhà nước

- Thứ Ba, 17/11/2020, 12:19 - Chia sẻ
Sáng 17.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 34 điều và 5 chương, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc xây dựng Luật nhằm đáp ứng trước yêu cầu bảo đảm an ninh trong tình hình mới, yêu cầu phòng, chống tội phạm, tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

ĐBQH Thạch Phước Bình - Trà Vinh phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Thảo luận về dự án Luật, đa số đại biểu tán thành với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đã thể hiện đầy đủ, bảo đảm thống nhất với nội dung và mục tiêu xây dựng Luật. Theo đó, dự thảo Luật quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, một số ĐBQH đề nghị làm rõ hơn vị trí nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các hoạt động tham gia phối hợp của lực lượng trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cho rằng số liệu ngân sách chi cho lực lượng này chưa thuyết phục, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu rõ, theo hồ sơ dự án Luật, nếu được thông qua, lực lượng bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có khoảng 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên và giảm 500 nghìn người thuộc lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Công an xã thì hiện nay chỉ có 126 nghìn công an xã bán chuyên trách. Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP về việc bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn và số lượng thực tế là 70 nghìn người. Còn theo Luật Phòng cháy, chữa cháy, hiện nay do không chịu được chi phí ngân sách, nên mới chỉ có 23% số cơ sở thành lập lực lượng này và con số thực tế là 500 nghìn người.

Thực tế, 3 lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay là 696 nghìn người, trong đó chỉ có 2 lực lượng có tổng số người bằng 196 nghìn người là công an xã bán chuyên trách cùng bảo vệ dân phố thường xuyên, còn 500 nghìn dân phòng theo Khoản 2, Điều 46 Luật Phòng cháy, chữa cháy chỉ được hưởng ngân sách khi thực sự làm việc, hoặc khi được bồi dưỡng nghiệp vụ. Vì vậy, nếu thông qua dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, thì số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hàng tháng địa phương là 804 nghìn người, chứ không phải giảm đi 500 nghìn người.

Theo các Điều từ 19 đến 22, dự thảo Luật thì ngân sách địa phương phải bố trí để chi trả trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm… ĐB Nguyễn Mai Bộ e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, hay bố trí cho việc an sinh xã hội. ĐB Nguyễn Mai Bộ đề nghị nghiên cứu có cần ban hành đạo luật sẽ gây tốn rất nhiều ngân sách của nhà nước và địa phương?

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính ước tính chi phí trụ sở và chi phí cho lực lượng hoạt động sẽ chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong ngân sách của chính quyền địa phương cấp xã để thấy người dân không đến mức độ vi phạm pháp luật nhiều mà phải bố trí lực lượng lớn như vậy, trong khi việc cần làm là đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo, cho xã hội đang rất lớn.

Cho rằng lý lẽ sẽ làm giảm chi ngân sách cho 3 lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở nêu trong Tờ trình Chính phủ chưa có cơ sở, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích: 72.556 nghìn người bảo vệ dân phố, mỗi thành viên trung bình chi 1,5 triệu đồng/người/tháng và Nhà nước phải chi khoảng 100 tỷ đồng/tháng thì không đúng thực tế. Hiện nay, chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương dồi dào thu ngân sách mới chi cao hơn mức 1.490 triệu đồng, còn lại việc chi ngân sách thấp hơn rất nhiều. Ví dụ, mỗi tháng ở Đồng Tháp chi cho ban bảo vệ dân phố 800 nghìn đồng cho trưởng ban, 600 nghìn đồng cho phó trưởng ban, tổ viên là 400 nghìn đồng. Như vậy, thực chi rất ít chứ ngân sách không có để chi 1,5 tỷ đồng/tháng như Tờ trình của Chính phủ. Ngoài ra, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở như theo Tờ trình sẽ bội chi ngân sách nhà nước mỗi tháng 375 tỷ đồng. Do đó, số tiền chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tăng nhiều hơn so với hiện nay.

Ảnh: Lâm Hiển

Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn có một số quy định làm tốn kém cho ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, như địa phương phải bố trí trụ sở làm việc, trang bị công cụ hỗ trợ, quần áo, giầy, phù hiệu hàng năm; HĐND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm; Bộ Công an cũng bố trí kinh phí của ngành cho lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở; địa phương nào không bảo đảm chi ngân sách thì ngân sách Trung ương phải bảo đảm theo quy định trong Luật, trong khi đó hiện nay không có quy định các vấn đề trên, vì thế ngân sách nhà nước sẽ rất tốn kém nếu bảo đảm hoạt động cho lực lượng này, ĐB Phạm Văn Hòa lưu ý.

+ Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng, kinh tế.

Hồ Long