Công bố Báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ

- Thứ Tư, 08/12/2021, 15:57 - Chia sẻ
Ngày 8.12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã công bố Báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ 2020 - 2021.

14.000 hộ gia đình đã tham gia

Đây là kết quả của cuộc điều tra hộ gia đình trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của 14.000 hộ gia đình, trên 700 địa bàn thuộc tất cả 63 tỉnh thành của cả nước. Mẫu điều tra đại diện cho 6 vùng kinh tế và 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng như các nhóm dân tộc thiểu số chính.

Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê được thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNICEF. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên hai mô-đun về sức khỏe sinh sản của Điều tra Nhân khẩu học và Sức khỏe đã được lồng ghép, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại lễ công bố.

Cuộc điều tra đã được thiết kế để đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững về trẻ em và phụ nữ, với tổng số 169 chỉ tiêu, trong đó có 35 chỉ tiêu thuộc khung Mục tiêu Phát triển Bền vững quốc gia. Là nguồn số liệu duy nhất và đầu tiên cho một số chỉ tiêu phát triển bền vững, cuộc điều tra đóng vai trò then chốt trong việc theo dõi tiến trình  thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và các mục tiêu quốc gia của Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Kết quả cuộc điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Các số liệu của cuộc điều tra đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế. Đồng thời, cuộc điều tra cung cấp thông tin làm bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng các chính sách và chương trình, phục vụ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em và phụ nữ”

Bức tranh toàn cảnh về trẻ em, phụ nữ

Có thể thấy, điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam (SDGCW Việt Nam) đã thể hiện được bức tranh toàn cảnh về mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em và phụ nữ. Bao gồm sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, bạo lực, nước sạch và vệ sinh, các vấn đề về bình đẳng, việc tiếp cận internet và thiết bị thông tin truyền thông tại nhà, cũng như kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông. Có một số lĩnh vực lần đầu được thống kê tại Việt Nam, bao gồm phát triển trẻ thơ toàn diện ở trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi, chất lượng nước uống trong các hộ gia đình thông qua xét nghiệm E.coli và nồng độ asen, phòng ngừa ung thư cổ tử cung, và một phiếu hỏi riêng dành cho nam giới.  

Số liệu điều tra được phân tách theo các đặc trưng về địa lý, xã hội và nhân khẩu học như giới, nhóm tuổi, dân tộc, tình trạng khuyết tật, tình trạng di cư và mức sống. Đồng thời, mẫu của cuộc điều tra cũng được thiết kết để đại diện cho một số nhóm dân tộc chính và hai thành phố lớn nhằm phản ánh các thành tựu phát triển của Việt Nam cũng như sự khác biệt giữa các nhóm dân cư, những mục tiêu chưa hoàn thành và những lĩnh vực cần phải tiếp tục nỗ lực liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers phát biểu tại lễ công bố.

Kết quả điều tra cho thấy Việt Nam đã có thành tựu về phát triển và phúc lợi của trẻ em và phụ nữ trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, một số chính sách vẫn cần được điều chỉnh, cũng như cần tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực xã hội để giải quyết những vấn đề mà cuộc điều tra đã cung cấp bằng chứng.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers, chia sẻ, “Dữ liệu phân tổ vô cùng phong phú và cực kỳ hữu ích, giúp chúng ta hiểu được đâu là các lĩnh vực đang đạt được những tiến bộ cũng như lĩnh vực nào đang tồn tại và thách thức để đạt được cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau. Giá trị của báo cáo này nằm ở cách mà chúng ta sẽ sử dụng những số liệu của báo cáo và điều chỉnh các chính sách và phương pháp tiếp cận để có thể đến được với những trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Kết quả điều tra còn cung cấp cho chúng ta thông tin được cập nhật về những khó khăn ban đầu do Covid -19 mà các gia đình phải trải qua, những gánh nặng của phụ nữ và những rủi ro đối với sự phát triển của trẻ em, đặc biệt của những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số như dân tộc Mông hoặc Khmer, những người sống ở vùng sâu vùng xa và những người khuyết tật.”

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Đại diện UNFPA Naomi Kitahara cho rằng “Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 và đưa vào các chủ đề mới về sức khỏe sinh sản và tình dục như các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình, ung thư cổ tử cung và kiến ​​thức về HPV, và tính dễ bị tổn thương của một số nhóm dân cư. Cũng như một số cuộc điều tra mà UNFPA hỗ trợ như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, cuộc điều tra này áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến ở tất cả các giai đoạn của cuộc khảo sát nhằm cải thiện chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu, rút ​​ngắn thời gian xử lý và công bố dữ liệu, và hạn chế tối đa sai sót của con người. Cuộc khảo sát mang tính sáng tạo và sẽ là nguồn dữ liệu thiết yếu đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.

Nguyễn Minh