Luật Chống rửa tiền (AMLA) của Mỹ

Công cụ hữu hiệu để ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp

- Chủ Nhật, 20/12/2020, 06:48 - Chia sẻ
Vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Chống rửa tiền (AMLA), nằm trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2021, với sự nhất trí cao của các nhà lập pháp lưỡng đảng nhằm tránh khả năng phủ quyết của Tổng thống Donald Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Đây được xem như một trong những luật chống tham nhũng mang tính lịch sử, phù hợp với các ưu tiên của người kế nhiệm.

Các công ty phải báo cáo chủ sở hữu thực sự hưởng lợi

Có thể nói AMLA là chiến thắng dành cho các nhóm thực thi pháp luật và nhân quyền vốn từ lâu tìm kiếm những thay đổi để giúp cảnh sát ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp dễ dàng hơn. Nó yêu cầu các công ty phải báo cáo chủ sở hữu thực sự hưởng lợi của họ cho chính phủ, cho phép chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý, đồng thời cho phép sử dụng các công cụ giám sát hoạt động đáng ngờ mới.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Xóa bỏ các phương tiện hợp pháp cho phép tội phạm và khủng bố chuyển tiền khắp thế giới đã trở thành vấn đề cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách khi hàng loạt vụ bê bối trong những năm gần đây đã tiết lộ mức độ thực sự của dòng tiền bất hợp pháp trên toàn cầu. Theo các nhà chức trách, kẽ hở trong luật pháp Mỹ liên quan đến việc tiết lộ chủ sở hữu công ty đã cho phép tội phạm lợi dụng các pháp nhân để chuyển tiền mặt cho chúng khắp thế giới.

Ông Greg Baer, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách ngân hàng, cho biết: “Cộng đồng thực thi pháp luật và an ninh quốc gia toàn cầu sẽ thu được nhiều lợi ích to lớn từ chính sách chống rửa tiền, ngăn chặn kẻ xấu sử dụng các công ty vỏ bọc để chăn dắt tội phạm xuyên biên giới quốc tế”.

AMLA được cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ thông qua mới đây, và hiện đang được chuyển tới tay Tổng thống Donald Trump để ký phê chuẩn. Khi đi vào cuộc sống, luật mới sẽ giúp các ngân hàng bằng cách cho phép họ chia sẻ gánh nặng xác định và theo dõi hoạt động bất hợp pháp tiềm ẩn.

Chấm dứt hoạt động của các công ty vỏ bọc ẩn danh

AMLA năm 2020 đặt nền tảng hành động theo chỉ thị chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông từng tuyên bố coi công tác “chống tham nhũng như lợi ích cốt lõi về an ninh quốc gia và trách nhiệm dân chủ”.

Kleptocracy - hành vi trộm cắp công quỹ có hệ thống của các quan chức chính phủ tham nhũng - phát triển mạnh nhờ dễ dàng tiếp cận các công ty vỏ bọc ẩn danh, bất động sản xa xỉ và các cơ chế tài chính khác chủ yếu bắt nguồn từ Mỹ và các nền dân chủ hợp nhất khác. Nhờ khả năng đảm bảo sự giàu có của mình ngoài tầm với của thế lực đối đầu trong nước, những kẻ tham nhũng nước ngoài, có thể chạy trốn đến đây để sống cuộc sống xa hoa lưu vong dù quyền lực của họ đã sụp đổ.

Điều khoản được hoan nghênh nhất của AMLA là việc tạo ra một cơ quan đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi nhằm mục đích chấm dứt hoạt động của các công ty vỏ bọc (shell company) ẩn danh. Từ lâu trong trí tưởng tượng của công chúng, các công ty vỏ bọc ẩn danh được hiểu tương tự như thiên đường thuế ở các địa phương nhiệt đới. Một loạt các vụ rò rỉ thông tin cao cấp trong những năm gần đây đã chứng minh rằng, Mỹ là quốc gia sở hữu các công ty vỏ bọc ẩn danh hàng đầu thế giới, được sử dụng để tạo điều kiện cho các dòng tài chính bất hợp pháp của kleptocracy, tội phạm có tổ chức và khủng bố. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới phát hiện, mỗi năm Mỹ sản sinh ra số lượng pháp nhân có chủ sở hữu ẩn danh gần gấp 10 lần so với 41 thiên đường thuế cộng lại.

Vì vậy, cơ quan đăng ký mới sẽ giúp hỗ trợ an ninh quốc gia, tình báo, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan quản lý đang điều tra tội phạm có tổ chức và tài trợ khủng bố nhưng gặp khó khăn trước mạng lưới khó kiểm soát của các công ty vỏ bọc được sử dụng để che giấu nguồn gốc và người thụ hưởng thực sự. Việc chấm dứt tình trạng ẩn danh, vốn bị lạm dụng bởi các quan chức tham nhũng có hệ thống và những kẻ khủng bố, sẽ ngăn chặn các trung gian chuyên nghiệp trong nhiều khu vực pháp lý của Mỹ tham gia vào các âm mưu rửa tiền, đồng thời giúp những người gác cổng trung thực trong lĩnh vực tài chính, pháp lý và bất động sản tuân thủ luật pháp.

Theo nhiều nhà quan sát, việc đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi và các điều khoản khác của AMLA sẽ giúp Tổng thống đắc cử Joe Biden thực hiện đúng cam kết là “dẫn đầu nỗ lực quốc tế nhằm mang lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu, truy quét các thiên đường thuế bất hợp pháp, thu giữ tài sản bị đánh cắp và khiến các lãnh đạo tham nhũng gặp khó khi tìm cách ẩn sau những công ty bình phong ẩn danh”.

Trên bình diện quốc tế, AMLA cũng chính thức hóa và mở rộng Chương trình Tùy viên tài chính của Bộ Tài chính Mỹ, giúp các chính phủ nước ngoài đáp ứng tiêu chuẩn luật pháp và quy định do Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), cơ quan hoạch định chính sách quốc tế do Nhóm G7 tạo ra để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Luật cũng tạo ra các liên lạc viên tình báo tài chính nước ngoài tương tự để thiết lập mối quan hệ với các quan chức nước ngoài có liên quan đến công tác chống tham nhũng nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ngọc Minh